Làm giàu cho mình - cho đời

(ANTĐ) - Đến thôn Ngọc Sơn, xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) chúng tôi được nghe người dân nơi đây hết lời ca ngợi ông Triệu Phúc Hiến, người đảng viên dân tộc Dao làm kinh tế giỏi thuộc vào hàng nhất nhì trong huyện.

Làm giàu cho mình - cho đời

(ANTĐ) - Đến thôn Ngọc Sơn, xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) chúng tôi được nghe người dân nơi đây hết lời ca ngợi ông Triệu Phúc Hiến, người đảng viên dân tộc Dao làm kinh tế giỏi thuộc vào hàng nhất nhì trong huyện.

Ông Triệu Phúc Hiến trong ngôi nhà của mình

Ông Triệu Phúc Hiến trong ngôi nhà của mình

Mạnh dạn đầu tư

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Dao nghèo, quanh năm sống bằng nghề phát rẫy, làm nương. Trước đây, gia đình ông đi hết đồi này, đến đồi khác nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, cái đói, cái nghèo quanh năm cứ bám theo mãi. Cho đến đầu những năm 90 được nhà nước vận động bỏ du canh du cư nhận đất, nhận rừng để phát triển cuộc sống ông Hiến mạnh dạn nhận 27ha đất rừng và 0,5ha đất trồng lúa.

Nhìn những mảnh đất hoang hóa nhiều năm không trồng trọt được gì, nhiều lúc ông cũng thấy nản lòng, nhưng nhờ sự động viên của hàng xóm và gia đình, sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, không ngại khó ngại khổ cộng với ý chí quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, ông tích cực học hỏi và tham gia các lớp tập huấn của huyện về kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp để về áp dụng với mô hình trang trại của gia đình.

Nhận thấy địa hình và thổ nhưỡng ở đây thích hợp với các loại cây trồng như lát, keo, luồng, với số tiền ít ỏi tích góp được ông đầu tư thuê nhân công, đào hố, mua cây giống về trồng toàn bộ hơn 20ha đất rừng các loại cây lấy gỗ kết hợp với trồng xen canh các loại cây ăn quả như vải, nhãn... Ngoài ra, ông kết hợp thêm việc chăn nuôi trâu, bò và các loại gia cầm để tận dụng diện tích đất rừng và các loại phụ phẩm từ trồng trọt.

Còn lại gần 1ha đất trồng lúa, ông dành để thâm canh, tăng vụ trồng các loại giống lúa, ngô mới ít sâu bệnh cho năng suất cao. Chưa dừng lại ở đó, ông còn đầu tư mua sắm các loại máy móc  như: máy tuốt lúa, máy vò ngô, các loại máy cày, máy bừa để phục vụ cho việc phát triển nông - lâm - ngư nghiệp của gia đình mình.

Đáp lại những nỗ lực không mệt mỏi đó, đến nay tổng thu nhập của gia đình ông mỗi năm lên đến gần 400 triệu đồng. Trong đó, riêng thu nhập từ rừng lên tới hơn 200 triệu đồng, tiền thu nhập từ trồng lúa và hoa màu khoảng 150 triệu đồng. Số lượng đàn trâu bò của gia đình cũng lên tới gần 30 con, mỗi năm cho thu nhập 80 triệu đồng.

Giúp dân thoát nghèo

Không dừng lại ở việc làm giàu cho gia đình mình, hàng năm vào vụ thu hoạch hoa màu, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 20 đến 25 lao động trong vùng với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người mỗi tháng. Hiện nay, tại trang trại của gia đình ông luôn có từ 5 đến 7 lao động làm việc với mức lương ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hiến trên khu rừng lát của gia đình mình

Ông Hiến trên khu rừng lát của gia đình mình

Ngoài tạo công ăn việc làm cho lao động trong vùng, ông còn thường xuyên giúp đỡ người dân xung quanh thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ vốn từ 30 triệu đồng trở lên cùng các loại cây, con giống. Gia đình ông luôn nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước ủng hộ đồng bào gặp khó khăn bị lũ lụt, thiên tai, giúp những gia đình nghèo xóa nhà tranh, nhà tạm bợ, dột nát.

Năm 2008 ông Hiến đã bỏ ra 20 triệu đồng mua ống nhựa dẫn nước từ trên đồi cao  về phục vụ trồng lúa nước cho gia đình và nhân dân trong thôn. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng nhà ở theo Quyết định 134 của Chính phủ, ông Hiến đã giúp đỡ 9 hộ với tổng số tiền 27 triệu đồng. Ngoài ra gia đình ông còn ủng hộ 25 triệu đồng cho 5 hộ theo Quyết định 08 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Ông tâm sự: “Là người đảng viên, tôi luôn tự nhủ mình cần phải luôn cần cù trong lao động và sản xuất để làm giàu cho gia đình và xã hội, luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thật để làm gương cho người dân noi theo”.

Hải Lâm - Hồ Điệp