Làm giả vé qua trạm thu phí có thể phải ngồi tù tới 7 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - CATP Hà Nội đã ra lệnh giữ người khẩn cấp đối với 3 đối tượng để điều tra về hành vi mua bán tem vé giả cước phí đường bộ. Vậy với hành vi này, các đối tượng vi phạm có thể phải đối diện với mức án nào?

3 đối tượng bị tạm giữ là Triệu Văn Quang (SN 1986), Nguyễn Hồng Quang (SN 1972) và Nguyễn Thị Huệ (SN 1969, cùng trú tại Thanh Trì, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng thu giữ trên người 2 đối tượng Nguyễn Hồng Quang và Triệu Văn Quang tổng số 1.000 vé dịch vụ sử dụng đường bộ trạm thu phí số 1- Quốc lộ 5 mức thu 180.000 đồng/lượt, vé thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Phả Lại - Quốc lộ 18 mức giá 120.000 đồng/lượt, vé lượt trạm thu phí Hoàng Mai mức giá 180.000 đồng/lượt.

Các đối tượng khai nhận đặt in, mua vé giả từ đầu năm 2021 tại cửa hàng Photocopy Hồng Liên 2, địa chỉ đường Cổ Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, do Nguyễn Thị Huệ làm chủ và quán Photocopy Hải Anh tại Quán Gánh, Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội.

khám xét khẩn cấp chỗ ở các đối tượng và các cơ sở liên quan, kết quả phát hiện thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục xác minh làm rõ.

Số vé giả bị thu giữ

Số vé giả bị thu giữ

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả.

Điều 202 BLHS 2015 quy định, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50 -dưới 200 triệu đồng;

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 30-dưới 100 triệu đồng.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên…thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Theo quy định trên, làm tem giả, vé giả, được hiểu là hành vi in, vẽ hoặc bằng mọi cách khác để tạo ra tem giá, vé giả. Buôn bán tem giả, vé giả, được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để trao đổi lấy tem giả, vé giả hoặc ngược lại nhằm bán lại thu lợi bất chính - luật sư Thu nhấn mạnh.

Tội phạm xâm phạm trật tự trong lĩnh vực quản lý việc in ấn, phát hành, buôn bán các loại tem, các loại vé theo quy định của Nhà nước.

Về mặt khách quan, đối tượng làm tem giả, vé giả bằng nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau như in ấn, sao chụp, vẽ hoặc bằng thủ khác để làm ra các loại tem, các loại vé giống như tem thật, vé thật nhằm đánh lừa người khác.

Về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi làm, buôn bán tem giả, vé giả là do cố ý tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho xã hội. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm - luật sư Thu nhận định.