Làm gì cũng phải xuất phát từ cái tâm

ANTĐ - Trong suy nghĩ của tôi, những người lính đánh án hình sự thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng tội phạm nguy hiểm nên chắc rất dữ dằn, khó gần…

CSHS ghi lời khai của một đối tượng phạm tội

Giọt nước mắt dưới gốc ổi

Vào thời điểm này năm trước, tình trạng trộm cắp tài sản trong siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy hết sức “nóng”. Giữa lúc CAQ Cầu Giấy đang phối hợp với CAP Trung Hòa xác minh điều tra những vụ mất trộm trên thì thêm một thông tin khiến ban chỉ huy của đơn vị đau đầu, đó là gần 40 chiếc điện thoại “xịn” có tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng “không cánh mà bay”. Điều đặc biệt trong vụ án, tất cả những camera bảo vệ mặc dù được mở 24/24h nhưng không ghi lại được bất cứ hình ảnh nào của kẻ gian. “Chẳng lẽ đối tượng biết phép tàng hình” - một điều tra viên nói.

Hướng điều tra được tháo nút thắt khi các trinh sát phát hiện đối tượng Đàm Quang Tiến (SN 1990) quê ở Hưng Yên là nhân viên bảo vệ của siêu thị có những biểu hiện bất minh vào thời điểm vụ án xảy ra. Tiến đã khai nhận chính y và người bạn là Nguyễn Văn Trường (SN 1987) ở Nghĩa Hưng, Nam Định nửa đêm đột nhập bằng cửa thông gió trên trần nhà rồi khoét lỗ lọt xuống cuỗm đi hàng chục điện thoại mang về quê chôn ngoài vườn. Ngay lập tức, cùng với một mũi trinh sát đi Hưng Yên bắt giữ Tiến, 16h, tôi cùng với tổ công tác thứ 2 do Đại úy Trần Văn Hóa - Đội phó Đội CSHS chỉ huy dẫn giải đối tượng Trường về quê để thu giữ tang vật.

Gia đình thuộc diện nghèo trong xã, bố của Trường phải vào Nam ra Bắc để kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi hai anh em Trường ăn học. Bản thân Trường cũng là đứa con có hiếu khi vừa theo học một trường đại học vừa đi làm thêm đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo đóng học phí. Tuy nhiên, do nợ nần, Trường đã “trót dại”. Ngồi giữa tôi và 1 CSHS trên xe ô tô vượt gần 200km từ Hà Nội về nhà, Trường khai rành rọt tất cả hành vi và lo sợ, xấu hổ nếu như hàng xóm láng giềng biết mình phạm tội. Có lẽ đọc được suy nghĩ của Trường, Đại úy Hóa yêu cầu trinh sát dừng xe ở đầu làng rồi chờ đến tối mới vào. Trước khi đưa đối tượng vào nhà, Đại úy Hóa mở khóa còng cho Trường. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt đối tượng, Đại úy Hóa nhẹ nhàng nói: “Chắc hẳn em sẽ thoải mái hơn khi gặp mẹ mà không có chiếc còng số 8 ở tay, điều ấy nhắc nhở em cần phải làm gì đúng đắn nhất”. Dù đã được tổ công tác động viên nhưng mẹ Trường - người đàn bà lam lũ thôn quê òa khóc sau khi hàng chục chiếc điện thoại Trường chôn xuống đất được CSHS moi lên dưới gốc cây ổi non.

Trăn trở của lính hình sự

Khi chiếc xe dẫn giải đối tượng về nhà tạm giữ của CAQ Cầu Giấy chuyển bánh, mẹ Trường vẫn nấc lên từng tiếng lẫn với lời an ủi của Đại úy Hóa: “Trường vi phạm đến đâu pháp luật sẽ xử lý đến đấy. Việc cần làm lúc này của gia đình là động viên con cháu mình thành khẩn khai báo để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật”.

Trở về trụ sở CAQ làm các thủ tục tạm giam cho can phạm xong, lúc này đồng hồ đã điểm chuông 1h sáng. Trước khi bước vào phòng giam, đối tượng Trường cảm ơn các chiến sỹ CSHS rồi bất ngờ òa khóc. Trường còn nói sẽ khai báo thành khẩn, cải tạo thật tốt để về tiếp tục đi học lại. Pháp luật rất rõ ràng, ai làm người đó chịu. Đối tượng đã biết ăn năn hối hận, khai báo thành khẩn thì việc giữ không để cho hàng xóm láng giềng kỳ thị, xa lánh gia đình đối tượng là trách nhiệm không chỉ của cơ quan công an. “Những bậc cha mẹ có con cái như vậy, bản thân họ đã khổ sở rất nhiều rồi. Chỉ mong sao không còn ai phải rơi nước mắt vì những đứa con tội lỗi” - Đại úy Hóa chia sẻ. Còn Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, CSHS tâm sự: “Lính hình sự không phải chỉ biết võ, điều tra mà còn phải là những nhà tâm lý học. Một điều bất biến trong các vụ án đó là, kiên quyết khôn khéo với địch và làm việc gì cũng xuất phát từ cái “tâm”, vì sự bình yên cho nhân dân”.