Lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp "móc túi" bảo hiểm và người bệnh

ANTD.VN - Tình trạng lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa để “tận thu” diễn ra phổ biến do cơ sở khám chữa bệnh đặt lợi nhuận lên hàng đầu. 

Tình trạng lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa để “tận thu” diễn ra phổ biến do cơ sở khám chữa bệnh đặt lợi nhuận lên hàng đầu. 

Theo các chuyên gia, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hướng tới mục đích giúp các bệnh viện có được hệ thống máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lạm dụng chỉ định khám chữa bệnh bằng các thiết bị máy móc xã hội hóa lại diễn ra một cách khó kiểm soát. Điều này khiến người bệnh và cơ quan bảo hiểm cùng bị “móc túi”.

 “Ép” xét nghiệm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, kết quả kiểm tra thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp các bệnh viện gia tăng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật đối với các máy móc được đầu tư theo mô hình liên kết, xã hội hóa. Ví dụ như, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngay sau khi thực hiện liên kết lắp đặt máy từ tháng 3-2016 đã chỉ định hơn 7.000 ca khám Bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng dịch vụ chụp CT. 

Trong đó, thanh toán theo mức giá chụp của máy xã hội hóa là gần 3.400 ca, còn theo mức giá máy chụp mà bệnh viện có sẵn là 3.650 ca. Đáng chú ý, việc chỉ định chụp đối với cả 2 máy này đều có những trường hợp không hợp lý. Đối với thiết bị được xã hội hóa, bệnh viện này đã chỉ định cho cả những trường hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng - tiểu khung thường quy, chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ, cắt lớp vi tính nội soi ảo cây phế quản… không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Có trường hợp bệnh viện ký hợp đồng với công ty với nội dung ghi rõ là nếu cơ sở y tế không đảm bảo các tiêu chí ràng buộc thì đơn vị đặt máy sẽ rút máy móc về. Như vậy, bệnh viện sẽ phải thực hiện theo cam kết đã ký và nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để bệnh viện đạt chỉ tiêu xét nghiệm, chiếu chụp là rất dễ xảy ra”.

Ông Lê Văn Phúc (Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Đơn cử, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An triển khai xét nghiệm C-Peptid trong máu trên hệ thống máy sinh hóa miễn dịch tự động liên doanh liên kết (tháng 7-2015) cho tất cả bệnh nhân tiểu đường đến khám và điều trị, đạt số lần chỉ định là 5.465 lượt, số tiền 1,7 tỷ đồng… Các chuyên gia cho rằng, điều đáng lo là khi lợi nhuận được xếp lên hàng đầu, nhiều cơ sở y tế lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị xã hội hóa để “tận thu”, phân chia lợi nhuận với công ty lắp đặt máy.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chỉ ra rằng, có trường hợp bệnh viện ký hợp đồng với công ty với nội dung ghi rõ là nếu cơ sở y tế không đảm bảo các tiêu chí ràng buộc thì đơn vị đặt máy sẽ rút máy móc về. “Như vậy, bệnh viện sẽ phải thực hiện theo cam kết đã ký và nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để bệnh viện đạt chỉ tiêu xét nghiệm, chiếu chụp là rất dễ xảy ra”, ông Lê Văn Phúc cho hay. 

Dễ nảy sinh tiêu cực

Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam phát hiện và chỉ rõ nhiều bất cập liên quan tới việc xã hội hóa thiết bị, máy móc y tế. Ví dụ như trong năm 2016, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội, Hải Dương đã không xây dựng đề án lắp máy xã hội hóa theo Thông tư 15 của Bộ Y tế hay đề án chưa đáp ứng yêu cầu… Trong khi Thông tư 15 quy định máy liên kết phải mới 100%, nhưng một số cơ sở y tế vẫn lắp đặt máy chụp CT đã qua sử dụng. Thậm chí, nhiều cơ sở khám chữa bệnh không thông báo cho cơ quan BHXH khi lắp đặt máy XHH hoặc khi vướng mắc trong thanh toán BHYT mới cung cấp đề án. 

Người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm dù không cần

BHXH Việt Nam thông tin, bên cạnh hình thức xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế theo Thông tư 15, các cơ sở khám chữa bệnh còn thực hiện nhiều hình thức khác như mượn máy móc, thiết bị của công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế hay thiết bị được cho tặng, thiết bị do bệnh viện huy động vốn của cán bộ nhân viên…

Và nhiều tiêu cực cũng phát sinh bởi những hình thức này. Có đơn vị cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện được ưu tiên trong chấm thầu khi cho bệnh viện mượn máy. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ khi đấu thầu đã cộng thêm điểm ưu tiên cho các công ty trúng thầu cung ứng hóa chất, vật tư y tế năm trước, dẫn tới tình trạng công ty đặt máy năm nào cũng trúng thầu. 

Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, hiện 59 tỉnh, thành phố đã thực hiện lắp đặt 3.422 máy xã hội hóa dưới nhiều hình thức. Tính riêng năm 2016, chi phí từ Quỹ BHYT cho các dịch vụ y tế thực hiện bằng máy móc, thiết bị xã hội hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh khoảng 2.101 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chưa đúng quy định lên tới 157,8 tỷ đồng…