Lạm dụng chỉ định thầu

ANTĐ - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa hoàn thành bản kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) trong việc thực hiện Luật Đấu thầu. Theo đó, tình trạng đấu thầu mang tính hình thức và lạm dụng chỉ định thầu vẫn phức tạp.

Được ưu tiên vẫn chậm tiến độ

Nhiều dự án được ưu tiên chỉ định thầu nhưng lại không về đích đúng hẹn

Theo quy định hiện hành, trong những trường hợp đặc biệt, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu được cho phép để rút ngắn thời gian, thủ tục đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính cấp bách về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, ở những gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu  thời gian vừa qua đã để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm.

Thông tin từ Bộ KH-ĐT cho biết, tính đến 31-12-2010, tổng hợp từ 5 bộ và 43 địa phương, có 286 dự án đã được chấp thuận chỉ định thầu với 1.463 gói thầu có tổng trị giá trên 49.599 tỷ đồng. Trong số này, có 757 gói hoàn thành trong năm 2010 với tổng giá trị 13.016 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn tới 491 gói thầu đã ký hợp đồng nhưng không hoàn thành trong năm 2010 như cam kết và phải chuyển qua năm 2011 với tổng giá trị trên 24.582 tỷ đồng. Đặc biệt, còn 215 gói thầu chưa ký hợp đồng với tổng giá trị gần 8.268,7 tỷ đồng.

Đơn cử, tại Ninh Bình, khi lập tờ trình xin chỉ định thầu, tỉnh này cam kết sẽ hoàn thành các dự án vào cuối năm 2010. Nhưng khi kiểm tra 5 dự án, TTCP phát hiện, có 4 dự án cho đến năm 2011 vẫn thi công dở dang. Có 2 dự án do Sở VH-TT&DL Ninh Bình làm chủ đầu tư, đã cam kết hoàn thành trước tháng 10-2010 để phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nhưng cho tới hết năm 2011, các gói thầu xây lắp vẫn không hoàn thành, khối lượng thi công đạt tỷ lệ thấp.

Tương tự, tại Nghệ An, có 33 gói thầu thuộc 19 dự án được chỉ định thầu với giá trị 2.198,9 tỷ đồng nhưng đã không kịp hoàn thành đúng hẹn vào năm 2010 theo như cam kết khi trình xin duyệt chỉ định thầu. Cho đến ngày 30-11-2011, nguồn vốn cho các dự án mới bố trí được 66% nhu cầu. Hàng loạt dự án được chỉ định thầu do Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Tĩnh... hay Bộ GT-VT làm chủ đầu tư cũng đang ở trong tình trạng ì ạch như vậy.

Đấu thầu còn mang tính hình thức 

Đáng chú ý, TTCP phát hiện, ở một số địa phương, có tình trạng cố ý “lách” quy định hướng dẫn để “áp đặt” chỉ định thầu những gói thầu lẽ ra phải tổ chức đấu thầu. Chẳng hạn, tại tỉnh Ninh Bình, ở một số dự án như nạo vét, nâng cấp sông Trục Bút và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông các xã miền núi Yên Thành, Yên Hòa, Yên Thắng do UBND huyện Yên Mô làm chủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt cho áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, các gói thầu tư vấn thiết kế có giá trị trên hạn mức cho phép chỉ định thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư áp dụng chỉ định thầu. Ngoài ra, TTCP cũng phát hiện, tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương và Bộ GT-VT là việc cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn lại được chỉ định cho một số nhà thầu như Tập đoàn Xuân Thành, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình)... đã khiến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính... nên các dự án cũng bị kéo dài, làm giảm hiệu quả.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới các khuyết điểm, vi phạm trong công tác đấu thầu, TTCP cho rằng, năng lực của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn tới lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng đấu thầu có tính hình thức vẫn tiếp diễn. Xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu vẫn diễn ra phổ biến ở các ngành, các cấp. Việc lựa chọn một số nhà thầu không đúng, không có năng lực thi công, tài chính không đáp ứng được yêu cầu đã khiến tiến độ các dự án bị kéo dài, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TTCP cho rằng, nạn lạm dụng chỉ định thầu một phần do các bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt đầy đủ các quy định pháp luật về đấu thầu, phần khác do các tiêu chí để thực hiện chỉ định thầu tới nay chưa cụ thể, khó vận dụng. TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã chỉ định thầu sai với chỉ đạo phải tổ chức kiểm điểm. Các cơ quan này cũng phải tự kiểm tra, rà soát lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các gói thầu có dấu hiệu không minh bạch trong việc chỉ định thầu hoặc có hiện tượng tạm ứng sai quy định, bất hợp lý, gây thiệt hại cho ngân sách.