Làm đẹp sai cách khiến phụ nữ… xấu đi

ANTĐ - Phụ nữ luôn có nhu cầu làm đẹp và kéo dài tuổi thanh xuân, bởi vậy ngày càng có nhiều bài thuốc đẩy lùi quá trình lão hóa được truyền tai nhau. Tuy nhiên phải hết sức thận trọng vì nếu bạn không có đủ kiến thức và hiểu biết, sẽ gây phản tác dụng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng.

Dư thừa nguyên tố vi lượng có thể gây buồn nôn, nôn, khó thở...

Vitamin 

Sử dụng VitaminE dài ngày với liều lượng lớn (hơn 100 mg mỗi ngày) có thể gây  cảm giác khó chịu. Dùng vitamin E 6 tháng trở lên dễ gây tập kết tiểu cầu, hình thành các cục máu đông và phản ứng bất lợi khác. Nếu dùng liều hơn 400 mg hàng ngày trong hơn 1 năm, nguy cơ viêm tĩnh mạch do huyết khối sẽ tăng lên đáng kể. 

Sau khi dùng liều lượng lớn vitamin C có thể gặp chứng tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu thường uống vào lúc đói), sỏi thận do oxalat kết tủa, viêm đường tiết niệu...

Dùng Penicillamine (thuốc giải độc kim loại) trong thời gian dài sẽ gây kích thích thận và làm giảm bạch cầu.

Nguyên tố vi lượng

Các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể là asen, selen, crom, sắt, kẽm, flo, i-ốt, côbal, đồng, mangan, thiếc, molypden, vanadi… Thậm chí các nhà khoa học còn đang nghiên cứu về giải pháp dùng nguyên tố vi lượng để chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên khi hàm lượng nguyên tố vi lượng trong cơ thể quá cao lại gây ra những hậu quả không mong muốn. Dư thừa kẽm gây buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Dư thừa coban gây độc cho cơ tim, dẫn đến suy tim thậm chí tử vong. Selen quá liều gây rụng tóc, hại móng tay và sắc tố da. Khi bị ngộ độc selen có thể làm rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, căng thẳng và trầm cảm. Thí nghiệm trên động vật cho thấy, selen quá liều cũng có thể làm dị dạng phôi thai.

Ngoài ra, việc thừa i-ốt có thể gây ra bệnh tuyến giáp tự miễn dịch, thậm chí ung thư tuyến giáp. Thừa đồng có thể gây ung thư phổi, còn thừa sắt sẽ gây ra những phản ứng xấu ở tuyến tụy và tuyến sinh dục.

Thuốc chống lão hóa 

Mặc dù loại thuốc này được coi là không có hoặc có độc tính thấp, nhưng cũng không thể lạm dụng. Ví dụ như nhân sâm vốn được coi là thảo dược hàng đầu chống lão hóa, song  nếu dùng liều lượng lớn (hơn 3gram nhân sâm gốc mỗi ngày), có thể gây ra “hội chứng lạm dụng nhân sâm“. Trẻ sơ sinh dùng 0,6-0,9gram nhân sâm có thể gây ngộ độc. Pantocrinum có trong nhung hươu nếu dùng qua đường tiêm có thể gây phát ban trên da, sốc phản vệ, hội chứng thiếu oxy não cấp, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn, đau bụng, viêm da tróc vẩy. Tiêm salvia (đan sâm) có thể gây rong kinh, mệt mỏi toàn cơ thể, buồn ngủ, đau đầu, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng. 

Polygonum multiflorum (hà thủ ô đỏ) vốn được dân gian coi như một vị thuốc trường sinh, nhưng sau khi ăn cũng có thể gây ra co thắt kịch phát, khó chịu, và thậm chí tê liệt hô hấp. 

Để tránh xảy ra các phản ứng bất lợi, cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi dùng thuốc làm đẹp: 

- Sử dụng đúng liều, đúng nhu cầu. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để căn cứ vào tình hình cụ thể, lựa chọn đúng loại và liều dùng. 

- Nếu tự sử dụng, phải nắm vững kiến thức về phạm vi ứng dụng, liều dùng, những điều cấm kỵ và những phản ứng bất lợi có thể xảy ra. 

- Chú ý các phản ứng trong thời kỳ dùng thuốc, nếu thấy ngứa, sốt, buồn nôn, nôn, chóng mặt… nên dừng ngay lập tức, xác định nguyên nhân và điều trị triệu chứng.