Làm cho hết trách nhiệm?!

ANTĐ - Theo hầu hết các chuyên gia cũng như lãnh đạo các sở, ngành liên quan, trong phạm vi Thông tư này, thì rất khó để thực hiện, nếu như không nói là không tưởng trong điều kiện cơ sở vật chất, tập quán, thói quen hiện nay. 

Ngay trên địa bàn Thủ đô, một trong những thị trường tiêu thụ lượng thịt lớn nhất nhì cả nước nhưng việc kinh doanh thịt hiện còn cách xa so với những quy định trong Thông tư. Thịt lợn được giết mổ vào sáng sớm, và bày bán trong cả ngày tại các chợ dân sinh, mà không hề có chế độ bảo quản cũng như sự đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nào. Vậy, lấy gì để đảm bảo những người kinh doanh thịt sẽ chỉ bán thịt trong vòng 8 giờ đồng hồ kể từ khi giết mổ. Ai sẽ chứng nhận thời điểm giết mổ để làm căn cứ. Theo tập quán giết mổ tại Hà Nội, lợn thường được giết mổ từ 2-3h sáng, áp với quy định mới, chỉ được bán đến 10-11h trưa? Nếu muốn bán trong vòng 24 tiếng thì phải có tủ bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C. Quy định này, tất cả các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đều không đáp ứng được, chưa nói tới các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển. Rồi quy định về bao gói đối với thịt, điều này chỉ có thể thực hiện khi đưa vào các siêu thị, các cửa hàng cao cấp, còn để bao bì, đóng gói theo đúng quy cách quy định tại các chợ là không khả thi.

Trao đổi về một số quy định của Thông tư này, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty giết mổ Minh Hiền cho biết, quy định đưa ra không thể chỉ để cho có, mà phải được áp dụng vào cuộc sống. Trong khi, các quy định cũ như giết mổ phải treo móc, phải giết mổ tập trung công nghiệp, bỏ hình thức thủ công; vận chuyển thịt lợn qua giết mổ phải có thùng hoặc xe đông lạnh… nhưng hiện lợn vẫn được giết mổ ngay dưới sàn đất và “tồng ngồng” chạy trên khắp các con đường Thủ đô.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cũng cho rằng, một số quy định tại Thông tư 33 là khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, khó nhất là quy định thịt lợn chỉ được bán trong 8 tiếng và phải bao gói, nhãn mác dù rằng về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật (trên lý thuyết - PV) thì đúng.  “Ngay như quy định về quy hoạch giết mổ tập trung, xây dựng các nhà máy, rục rịch làm bao nhiêu năm nay, nhưng cả miền Bắc đã có tỉnh, thành nào làm được đâu”, ông Phóng nói.

Không riêng các quy định tại Thông tư 33 là không khả thi trong bối cảnh hiện nay, mà quy trình, tổ chức thực hiện cũng không có sự rõ ràng. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện; Chi cục Thú y phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm trong địa bàn. Còn, hình thức kiểm tra, xử phạt, mức xử phạt, chế tài xử lý cụ thể ra sao không được quy định. Vậy, những quy định, những điều cấm mà Thông tư đưa ra ai sẽ kiểm soát, quản lý? Nhiều chuyên gia không ngại thẳng thắn, Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT “ra đời” chỉ như một sự “phủi tay” cho hết trách nhiệm!