Lại thêm một ý tưởng… bất thường

ANTD.VN - Thỉnh thoảng, không chỉ cư dân mạng mà cả dư luận xã hội lại một phen “dậy sóng”, sửng sốt xen lẫn khó hiểu trước những đề xuất hết sức… kỳ dị. 

Chẳng hạn như “sáng kiến” quy định người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được điều khiển xe máy. Đương nhiên những ý tưởng kiểu đó nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Ấy vậy mà vừa mới đây lại xuất hiện một đề xuất vượt quá sức tưởng tượng, sự kinh ngạc của mọi người. Đó là ý kiến về việc thay đổi bảng chữ cái 24 ký tự La tinh trong tiếng Việt.

Thử nhìn lại một số đề xuất bất cập trước đây có thể nhận thấy một điểm chung là đều được “nặn” ra từ những đầu óc “văn phòng” xa rời thực tiễn. Thực tế, từng có những văn bản hướng dẫn thi hành luật, những quy định chưa ráo mực, chưa đi vào cuộc sống đã “chết yểu” trước sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp vì không khả thi, không thể áp dụng vào đời sống kinh tế - xã hội.

Thực trạng này đã giảm bớt rõ rệt trong thời gian qua. Điều này cho thấy, nếu không bám sát cuộc sống, không nắm bắt nhịp đập, hơi thở xã hội thì mọi thứ đều trở nên viển vông, lạc lõng không thể mang ra bàn luận, tranh cãi cho tốn thời gian. Bởi thế, khi vị phó giáo sư, tiến sĩ nọ đưa ra ý tưởng thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt, đã có không ít người ngạc nhiên đặt câu hỏi thẳng thắn không chút e ngại: “Không còn việc gì để làm hay sao?”.

Trong khi nhà trường, thầy cô giáo đang ra sức rèn giũa học sinh giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, trong khi một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh, sinh viên sử dụng “từ ngữ mạng” theo cách méo mó, dị thường, các nhà giáo, chuyên gia ngôn ngữ đã lên tiếng báo động, thì đề xuất “kỳ cục” này có lẽ chỉ càng làm cho tiếng  Việt thêm… mờ đục.

Đó là chưa kể tới một dòng văn học “ngôn tình” qua sách dịch tràn lan, xuất bản vô tội vạ đang đẩy tiếng Việt vào tình trạng “ô nhiễm” gây độc hại đầu óc, tâm hồn giới trẻ. Một số tờ báo lớn đã mở chuyên mục giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Dư luận, công luận, nhất là các bậc cha mẹ đã phải xắn tay vào cùng chỉnh đốn trước nguy cơ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ đang bị xuống cấp, thương mại hóa đáng lo ngại.

Để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, có rất nhiều việc phải làm tận tâm, bền bỉ, lâu dài thay vì nghĩ ra ý tưởng không bình thường, đề xuất khó chấp nhận.