Lãi suất tiết kiệm tăng, dòng tiền đang quay trở lại các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất huy động tăng tại nhiều nhà băng đã khiến dòng tiền từ các kênh đầu tư khác quay trở lại các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2022, lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên mức nền mới với lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 67 điểm cơ bản, 62 điểm cơ bản và 43 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Đặc biệt trong tháng 2, lãi suất liên ngân hàng đã có những phiên tăng mạnh tới 135 điểm cơ bản so với cuối năm trước.

Đà tăng tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2022 với lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng nhẹ lần lượt ở mức 0,01%; 0,03% và 0,07%, hiện ở mức 2,12%; 2,27% và 2,52%/năm.

Tương tự, trên thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất huy động cũng tiếp tục xu hướng tăng từ cuối năm ngoái tới nay, mức tăng khá đáng kể, khoảng 0,3-0,8 điểm phần trăm kể từ đầu năm.

Mới đây nhất, VPBank đã công bố biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 15/4/2022. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã tăng lên 6,9%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với trước (áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ trở lên với kỳ hạn 36 tháng). Các kỳ hạn khác và mức tiền gửi thấp hơn, lãi suất cũng tăng mạnh, mức tăng cao nhất lên đến 0,5 điểm %.

Trước đó không lâu, MB cũng công bố tăng lãi suất trong tháng 4/2022 với mức tăng phổ biến 0,2 điểm % cho nhiều kỳ hạn. NamABank, Techcombank, VietCapitalBank... cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng trong tháng 4/2022.

Nguyên nhân các ngân hàng tăng lãi suất là để phục vụ kế hoạch huy động vốn, với mục tiêu tăng trưởng 20-30% trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh sau dịch.

Báo cáo từ Phòng Phân tích, Chứng khoán Everest cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; từ 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13 - 24 tháng.

Tiền gửi dân cư tại ngân hàng đang tăng mạnh trở lại

Tiền gửi dân cư tại ngân hàng đang tăng mạnh trở lại

Theo quan sát, hiện đã có khá nhiều ngân hàng đang có lãi suất trên 7% như NamABank, SCB, VietBank, VietABank, SHB…. Trong đó, lãi suất cao nhất đã lên tới 7,4 - 7,6%/năm (như tại SCB NamABank...)

Người dân gửi tiết kiệm nhiều hơn

Đi cùng xu hướng tăng của lãi suất huy động thì tăng trưởng tiền gửi khu vực dân cư cũng tích cực hơn từ đầu năm cho tới nay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021.

Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư, trong khi tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm.

Cụ thể, tại ngày 28/2, người dân đang gửi hơn 5,46 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, tăng hơn 56.000 tỷ so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,01%).Mức tăng hơn 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).

Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cuối tháng 2 chỉ đạt hơn 5,63 triệu tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ so với cuối năm 2021.

Đây cũng là xu hướng trái ngược so với giai đoạn trong dịch, khi tiền gửi dân cư tăng trưởng chậm hơn tiền gửi doanh nghiệp do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ.

Cụ thể, trong năm 2021, tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng chỉ tăng hơn 9%, và động lực chính là từ khách hàng doanh nghiệp, trong khi tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng rất thấp (chỉ 3,08%).

Điều này cho thấy sau thời gian dài dòng tiền bị rút khỏi các ngân hàng thì đã xuất hiện tín hiệu quay trở lại. Đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác, nhất là chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn rủi ro thì gửi tiết kiệm ngân hàng được cho là lựa chọn an toàn và đảm bảo khả năng sinh lời hợp lý.