Lãi suất tăng, người dân ngày càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng tăng mạnh những tháng gần đây, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng và các kênh đầu tư khác ngày càng rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật số liệu mới về tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, tại ngày 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 92.400 tỷ so với cuối tháng 5/2022 và tăng hơn 522.500 tỷ so với cuối năm 2021 (tương đương tăng trưởng 4,77%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 - 3,83%).

Trong đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng hơn 200 nghìn tỷ trong nửa đầu năm.

Đặc biệt, tiền gửi của dân cư tăng trưởng mạnh hơn, đạt hơn 5,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 50 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư đã tăng gần 320 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 6,02%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn

Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn

Có thể thấy, xu hướng tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi rõ rệt trong những tháng gần đây.

Trước đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tiền gửi dân cư chững lại khi người dân rút tiền đổ vào các kênh đầu tư tăng trưởng nóng như bất động sản, chứng khoán.

Trong khi đó, tiền gửi các tổ chức kinh tế lại có xu hướng tăng mạnh hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, doanh nghiệp buộc phải gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để bảo toàn vốn.

Khoảng 4-5 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn; ngược lại lãi suất ngân hàng lại có xu hướng tăng, khiến dòng tiền dân cư có dấu hiệu trở lại kênh này. Còn các tổ chức kinh tế thì cần đến dòng tiền để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhiều hơn nên sự tăng trưởng có dấu hiệu chững lại.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của nhiều nhà băng cũng cho thấy tăng trưởng tiền gửi ở mức khá tốt, như TPBank, VIB, VPBank, HDBank… đạt trên 10%, thậm chí VPBank tăng trưởng tới 22%.

Dù vậy, tăng trưởng tiền gửi vẫn thấp hơn tăng trưởng cho vay khiến áp lực huy động vốn vẫn rất lớn đối với các ngân hàng. Theo Chứng khoán Mirae Asset, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của ngành ngân hàng đã vượt 83%, tiệm cận với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 85%.

Trước áp lực này, xu hướng tăng lãi suất dự báo sẽ còn tiếp diễn. Theo khảo sát của phóng viên, sau nhiều đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm, hiện mặt bằng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ đã nhích lên đáng kể, ở mức 0,5 - 1% ở một số kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Hiện có khoảng trên dưới 10 ngân hàng có mức lãi suất ở một số kỳ hạn trên 7%/ năm, trong đó các ngân hàng như SCB, SHB, CBBank… đã có lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng dao động ở khoảng 7,42 - 7,5%/ năm. Thậm chí, một số ngân hàng niêm yết lãi suất chứng chỉ tiền gửi ở mức khá cao, như SeABank với mức lãi suất lên tới 7,85%/ năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Các ngân hàng tầm trung như VPBank, ACB, Techcombank… lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng cũng đã tăng lên quanh khoảng 6,2 - 6,6%/ năm.

Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, lãi suất tiền gửi cũng nhích nhẹ khoảng 0,1% ở các kỳ hạn, với lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng trở lên là 5,5 - 5,6%/ năm.

Trên thực tế, trong tháng 7, tháng 8, rất nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng, việc cho vay khách hàng bị hạn chế nhiều, song “cuộc đua” lãi suất vẫn không ngừng nóng lên. Điều này được lý giải là do các ngân hàng phải đón đầu việc sắp được nới room, dự kiến trong tháng 9 này.

Theo dự báo của một số chuyên gia các công ty chứng khoán như SSI, VCBS, dự báo lãi suất huy động trong năm nay có thể tăng 1 - 1,5 điểm %.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong cả năm nay - một con số tương đối cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động cũng được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và cả năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.