Lãi suất huy động ngân hàng liệu có tiếp tục tăng trong năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất ngân hàng chịu áp lực rất lớn trong năm 2023, tuy nhiên liệu có tiếp diễn một “cơn sốt” lãi suất hay không vẫn là một câu hỏi với nhiều dự đoán khác nhau.

Lãi suất tiếp tục nhích nhẹ trong tháng 1

Qua tham khảo trên website của một số ngân hàng, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay đang là 9,5%/năm – đúng như mức cam kết trước đó được các ngân hàng thống nhất.

Trong đó, nhiều ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 9,3 – 9,5%/năm như: DongA Bank, SCB, LienVietPostBank, BacA Bank, HDBank, Techcombank, Saigonbank, VPBank, VietBank… Tiếp theo, một số ngân hàng như OceanBank, MSB niêm yết lãi suất cao nhất 9,1%/năm. Mức lãi suất này thường được áp dụng cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Đối với kỳ hạn ngắn hơn (6-9 tháng), lãi suất phổ biến đang trong khoảng 8-9%/năm. Kỳ hạn dưới 6 tháng được đa số các ngân hàng áp mức kịch trần 6%/năm và chỉ thấp hơn một chút ở khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm % so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng đã tăng 2,68 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 0,11 điểm % so với mức trung bình của tháng 12 và tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ 2022.

Theo BVSC, áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn trên chủ yếu tới từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi các ngân hàng có gốc quốc doanh không thực hiện tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng, và chỉ tăng nhẹ đối với kỳ hạn 6 tháng.

Các ngân hàng đang quyết liệt giành thị phần tiền gửi

Các ngân hàng đang quyết liệt giành thị phần tiền gửi

Sẽ khó tăng mạnh

Nhóm phân tích cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.

Ngoài ra, NHNN cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý IV/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.

Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.

Theo VCBS, quá trình tăng lãi suất NHTW lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, NHTM cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm % trong những tháng nửa đầu năm 2023.

VNDirect cũng đưa ra nhận định lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 và chậm lại trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng cũng có những yếu tố sẽ kìm hãm lại đà tăng của lãi suất, trong đó có việc xu hướng dòng tiền đang và sẽ tiếp tục tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, mặc dù lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 nhưng sẽ không nóng như cuối năm 2022. Nguyên nhân, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan điều hành sẽ buộc phải có biện pháp “ghìm cương” lãi suất.

“Cần lưu ý, mặc dù không phải là quy định “cứng”, nhưng nếu lãi suất huy động lên 2 con số thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có những biện pháp ghìm lại. Ví dụ như cuối năm ngoái khi lãi suất huy động trên 10% thì NHNN đã vào cuộc, và sau đó các NHTM đồng thuận với nhau là sẽ không để lãi suất vượt 9,5%/năm. Do đó, tôi nghĩ mặc dù trong năm tới lãi suất có thể sẽ vẫn tăng, nhưng mức độ sẽ không mạnh như cuối năm ngoái” – ông Khánh nói.