Lãi suất huy động đồng loạt giảm, chờ đợi tín hiệu ở lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng thương mại đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động, đặc biệt ở kỳ hạn dưới 6 tháng. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang cùng các ngân hàng nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Là ngân hàng thường xuyên duy trì lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) hôm 25/5 cũng đã công bố áp dụng biểu lãi suất mới.

Theo đó, lãi suất cao nhất đối với tiền gửi tại quầy tại nhà băng này chỉ còn ở mức 8,3%/năm, trong khi tiền gửi trực tuyến cao nhất cũng chỉ ở mức 8,5%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Các kỳ hạn khác cũng đồng loạt giảm, trong đó tiền gửi dưới 6 tháng giảm còn 5%/năm – là mức trần mà Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng từ ngày hôm nay.

Kỳ hạn từ 6-9 tháng dao động từ 7,8-7,9%/năm đối với tiền gửi tại quầy và 8,2%/năm đối với tiền gửi online; kỳ hạn 12 tháng là 8,1%/năm tại quầy và 8,3%/năm online.

Tại SCB, lãi suất huy động cao nhất áp dụng từ 25/5 là 7,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 7,75%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng. Kỳ hạn dưới 6 tháng về mức cao nhất là 5%/năm, còn lại các kỳ hạn khác SCB đều áp dụng lãi suất 7,6%/năm.

Còn tại OCB, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện áp dụng từ 4,7 - 4,9%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng là 7,4-7,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 7,9%/năm. Lãi suất cao nhất áp dụng tại OCB hiện là 8,5%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng và số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên.

Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Nhìn chung, sau khi NHNN công bố giảm lãi suất điều hành, tất cả các ngân hàng đều công bố biểu lãi suất mới, trong đó điều chỉnh chủ yếu ở kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định mới của NHNN, về không quá 5%/năm.

Một số nhà băng thậm chí còn giảm khá sâu so với mức trần này. Đơn cử như tại ACB, tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng – 5 tháng lãi suất đã giảm mạnh chỉ còn 3,9 - 4,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm 6 tháng còn 6,2%/năm và 12 tháng còn 6,6%/năm.

Tại Sacombank lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,7 – 5%/năm, giảm 0,5 – 0,6%/năm so với trước đây.

Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được Sacombank điều chỉnh mức giảm từ 0,3 – 0,5%/năm. Trong đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại đây chỉ còn 6,6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Ở nhóm big4 ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất là 4,1%/năm đối với các kỳ hạn 1-2 tháng và 4,6%/năm cho các kỳ hạn từ 3-5 tháng, khá thấp so với mức trần cho phép.

Không chỉ giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn, mà ngân hàng BIDV và Agribank còn điều chỉnh hạ thêm lãi suất các kỳ hạn dài. Đơn cử tại BIDV, các kỳ hạn 6 và 9 tháng hiện chỉ còn 5,5%/năm, lần lượt giảm 0,3% và 0,4%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng được BIDV áp dụng chung mức lãi suất là 6,8%/năm, thấp hơn 0,4%/năm so với mức lãi suất đầu tháng 5 và là ngân hàng có lãi suất thấp nhất hệ thống đối với các kỳ hạn này.

Tại Agribank, ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn từ 6-12 tháng, nhưng giảm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, chỉ còn 7%/năm.

Hai ngân hàng còn lại là Vietcombank và VietinBank giữ nguyên mức lãi suất từ 6 tháng trở lên, trong đó lãi suất cao nhất cùng có mức 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Kỳ vọng sớm giảm lãi suất cho vay

Động thái điều chỉnh lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định giảm loạt lãi suất điều hành vào chiều tối ngày 23/5 và áp dụng chính thức từ 25/5.

Doanh nghiệp và người dân đang chờ đợi những tín hiệu của lãi suất cho vay, nhằm giảm bớt khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Đánh giá động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là quyết định đúng đắn, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng Ngân hàng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của NHNN.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng.

Đợt 2, từ 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ.

"Việc giảm lãi suất là sự đồng thuận, đồng lòng của các ngân hàng cũng như là mong muốn, nguyện vọng của đông đảo người dân cũng như doanh nghiệp" - ông Lê Quang Vinh nói.

Về phía MB, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc cho biết, thời gian qua, MB đã liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng, giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này, MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.

"Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5% chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%" - ông Phạm Như Ánh thông tin.

Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thì cho rằng với động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ hạ xuống và chi phí vốn cũng hạ.

"Các NHTM đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất nhưng cái lớn nhất trong khấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn các ngân hàng rất có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay. Nếu vậy chúng tôi cũng đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn" - lãnh đạo TPBank nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì việc giảm lãi suất cho vay thời điểm này cũng là bài toán "cân não" đối với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ khi trước đây đã đua huy động tiền gửi lãi suất cao lên đến trên dưới 12%%/năm, thậm chí có ngân hàng lên tới 14%/năm với kỳ hạn trung và dài hạn.