Lãi suất giảm nhưng chưa đủ hấp dẫn người mua nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giảm lãi suất là một nỗ lực của các ngân hàng thương mại, song thực tế vẫn cao so với khả năng chi trả của người mua nhà, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay.

Nhu cầu cao nhưng người dân vẫn chưa sẵn sàng mua nhà

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong 5 tháng đầu năm, dù tín dụng vào kinh doanh bất động sản vẫn tăng 14%, song tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà vẫn chưa sẵn sàng đầu tư.

“Do vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”, Thống đốc NHNN cho biết.

Việc vướng mắc pháp lý cùng với lãi suất cao, doanh nghiệp thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản thời gian qua khan hiếm, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nguồn cung nhà ở thương mại mới sụt giảm chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp (NHNN chủ trương đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh trong khi kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản), phát hành trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, chặt chẽ hơn…).

Nguồn cung bất động sản để ở khan hiếm, trong khi lãi suất vay mua nhà vẫn cao

Nguồn cung bất động sản để ở khan hiếm, trong khi lãi suất vay mua nhà vẫn cao

Trong 6 tháng đầu năm, các chủ đầu tư mới hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 06 tháng cuối 2022; Hiện đang triển khai xây dựng 659 dự án (đạt khoảng 60,4% so với 06 tháng cuối 2022);

Đồng thời, đã được cấp phép mới khoảng 23 dự án (đạt khoảng 29,41% so với 06 tháng cuối 2022); có 30 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bằng khoảng 37,5% so với 06 tháng cuối năm 2022).

Đối với Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030): Tính đến ngày 18/6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công trong 6 tháng đầu năm là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án quy mô 7.730 căn; nhà ở công nhân 3 dự án quy mô 11.038 căn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Ông Khôi đánh giá, thị trường nhà ở nguồn cung khá hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.

Kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất vay mua nhà

Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất huy động và bắt đầu giảm lãi suất cho vay.

Theo khảo sát của phóng viên, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm so với cuối năm ngoái, đầu năm nay song vẫn ở mức cao, khoảng 12 – 14% đối với nhà ở thương mại. Một số ngân hàng đưa ra các gói vay mua nhà lãi suất thấp nhưng chỉ áp dụng trong vòng 3 – 9 tháng đầu, thời gian sau thả nổi theo lãi suất thị trường.

Đối với doanh nghiệp, theo TS Nguyễn Văn Khôi, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn không dễ dàng, chủ yếu do ba vấn đề là mức lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường ( lãi suất 11-12%/năm).

Ông Khôi đánh giá, việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Động thái này đang có hiệu ứng tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế và các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn. Đó là chưa kể tiết kiệm chi phí tiền lương, máy móc thiết bị… cho cả năm.

Cũng theo ông, lãi suất vay theo gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn đang quá cao (doanh nghiệp 8,7%, người mua nhà 8,2%/năm) nên chủ đầu tư và người mua nhà khó khăn.

Do đó, vị chuyên gia đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay, với lãi suất cho vay nhà ở thương mại dưới 7%/năm; nhà ở xã hội với doanh nghiệp dưới 6%/năm, với người mua nhà dưới 4,5%/năm.

Ngoài ra, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, kiến nghị dưới 9%/năm; Bất động sản nhà ở cao cấp, kiến nghị từ 9-10%/năm.

Ngoài ra, ông Khôi cũng đề xuất các giải pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; giãn nợ cho doanh nghiệp những khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ; gỡ vướng pháp lý, rút gọn quy trình đầu tư...