Lại “nóng” tội phạm phá két

ANTĐ - Liên tiếp xảy các vụ đột nhập, phá két sắt trong nhà dân, công sở để lấy trộm tài sản thời gian qua cho thấy phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm ngày càng tinh vi…

Tội phạm dùng máy hàn hơi phá cửa két sắt


Trộm nhằm chỗ không người

Trong vụ trộm đột nhập, phá két sắt của một công ty đóng trụ sở ở khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim mới xảy ra gần đây, nếu người dân ở xung quanh không kịp thời phát hiện, báo tổ tuần tra CAP Đại Kim ngăn chặn, kẻ trộm không những “khoắng sạch” tiền trong két (hơn 37 triệu đồng cùng một số trang sức bằng vàng), còn có thời gian “dọn” cả những tài sản giá trị khác như laptop, máy tính bảng Ipad, xe máy… của nhân viên công ty để tại đây.

Qua tìm hiểu, PV ANTĐ được biết, ngoài 2 khóa bên trong và 2 khóa bên ngoài, cửa ra vào làm bằng sắt hộp còn gia cố thêm 1 khóa có con sỏ bằng sắt (loại phi 18) xuyên qua 2 miếng ốp sắt để khóa ở bên trong nhằm chống kìm cộng lực. Cho rằng các “lớp” khóa cửa chắc chắn, công ty này không cần bố trí người trông coi qua đêm. Tuy nhiên, lợi dụng đêm mưa, kẻ trộm đã dùng máy hàn hơi cắt phá tai khóa cửa bên ngoài, sau đó luồn mỏ hàn qua khe cửa sắt hộp cắt phá tai khóa và cắt đứt con sỏ của khóa bên trong, vào nhà, lên tầng 3 tiếp tục cắt phá két sắt để tại đây. Khi tên trộm dùng máy hàn hơi cắt phá được 2 lớp cửa két sắt ở mặt trước, đang cắt dở lớp thứ 3 thì bị lực lượng CAP Đại Kim bắt giữ. Ngoài máy hàn hơi, cơ quan công an còn thu giữ nhiều dụng cụ gây án có tính chất chuyên nghiệp như xà cầy dùng để cạy phá cửa nhà, két sắt… Khám nhà đối tượng trú ở quận Hoàng Mai, cơ quan công an phát hiện một số tang vật liên quan đến vụ trộm két sắt xảy ra ngoài địa bàn quận.

Ngoài vụ trộm khét tiếng này, có vụ trộm két sắt xảy ra tại một công ty cổ phần đóng trụ sở ở quận Cầu Giấy, sau khi phá khóa cửa, kẻ gian đã “khuân” cả chiếc két sắt nặng khoảng 60kg đựng hàng chục triệu đồng ra khỏi công ty mà không bị phát hiện. Ngoài những trụ sở công ty, doanh nghiệp, tội phạm trộm két chuyên nghiệp còn nhắm mục tiêu vào các trường học. Cách đây gần 1 tháng, một trường THCS ở quận Cầu Giấy đã bị kẻ gian đột nhập, phá cửa phòng tài vụ, đục phá két sắt, lấy trộm 600 triệu đồng. Trước đó, một trường học ở quận Hoàn Kiếm cũng bị kẻ gian đột nhập, dùng máy hàn hơi phá két sắt, trộm cắp gần 200 triệu đồng. Qua các vụ trộm két sắt xảy ra cho thấy, kẻ gian chỉ có thể gây án khi nhà dân, công sở không có người trông coi; hoặc lợi dụng nhân viên bảo vệ ngủ say vào ban đêm, kẻ gian đột nhập gây án…

Phương tiện gây án của kẻ trộm két sắt ở phường Đại Kim

Két chưa chắc an toàn

Trung tá Nguyễn Văn Phấn - Đội CSHS, CAQ Cầu Giấy cho biết, theo tiêu chuẩn sản xuất két sắt, ở giữa 2 lớp vỏ phải có 1 lớp chống cháy. Tuy nhiên, nhiều chiếc két sắt được sản xuất hiện nay không đảm bảo chất lượng. Thay vì có 1 lớp cách nhiệt như trên, bên trong phần này được “nhà sản xuất” độn vào đầy cát. Nhiều người mua phải loại két này, nhấc lên thấy nặng cứ tưởng mua được két tốt nhưng không ngờ rằng, chính cái chất “chống cháy” kia lại tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp thực hiện nhanh hơn hành vi phá két. Khi các đối tượng sử dụng bình khò, máy hàn hơi phá két, theo nguyên lý cát bên trong két sẽ nóng và dẫn nhiệt khiến cho vỏ két vỡ nhanh hơn. Mặt khác, cánh cửa két cũng được “chế tác” mỏng nên kẻ trộm có thể dùng vật cứng đục phá được… Đáng báo động, những chiếc két không đảm bảo an toàn như trên hiện vẫn đang được bày bán nhan nhản ở khắp các cửa hàng trên địa bàn thành phố mà không được kiểm định chất lượng.

“Không nên đặt hết niềm tin vào két” -  cơ quan công an khuyến cáo và đề nghị các chủ sử dụng két nên lắp đặt các thiết bị báo động quanh khu vục đặt két, hoặc lắp trực tiếp vào két. Khi kẻ lạ xâm nhập vào khu vực đặt két, tín hiệu sẽ báo ngay đến người chủ quản lý két, hoặc đến CAP sở tại, Trung tâm CS 113 để kịp thời ngăn chặn.