Lại có thêm chiến sự mới

ANTĐ - Trong những diễn biến thu hút sự chú ý của quốc tế tuần qua là những phản ứng về việc Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh vào trung tuần tháng 4; việc Hội đồng bảo an LHQ ra Tuyên bố của Chủ tịch về Syria và cuộc đảo chính ở Mali.

Việc CHDCND Triều Tiên thông báo sẽ phóng vệ tinh khiến quốc tế lo ngại, mặc dù nước này khẳng định việc phát triển ngành vũ trụ vì mục đích hòa bình là quyền hợp pháp đã được công nhận một cách rộng rãi của một quốc gia có chủ quyền. Phát ngôn viên Ủy ban Công nghệ Không gian Triều Tiên cho hay, lần phóng vệ tinh của Triều Tiên có thể sẽ diễn ra từ 12 đến  16-4, từ một địa điểm ở bờ biển phía Tây Nam Triều Tiên. Triều Tiên khẳng định sẽ tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về phóng vệ tinh vì mục đích nghiên cứu khoa học và đã lựa chọn được quỹ đạo để tránh va chạm với các nước láng giềng. 

Nhưng tuyên bố của Bình Nhưỡng khiến Trung Quốc và Nga đã lập tức bày tỏ lo ngại, còn  Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng có phản ứng về kế hoạch này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây không chỉ là vụ phóng vệ tinh đơn thuần, mà là sự phô diễn sức mạnh về công nghệ tên lửa tầm xa. Các nước cho rằng vụ phóng vệ tinh này thực chất là một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa, vì tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên hiện sở hữu một trong những lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới. Nước này cũng sở hữu một chương trình hạt nhân khá mạnh và một kho tên lửa đáng kể, gồm những tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Được biết, tên lửa tầm trung của Triều Tiên có thể hủy diệt những mục tiêu ở cách xa 3.000km. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa tầm xa Taepodong-2 có tầm bắn ước tính lên tới hơn 6.000km. 

Phía CHDCND Triều Tiên vừa đưa ra tuyên bố, bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại nước này trong Hội nghị hạt nhân diễn ra tại Seoul tới sẽ được coi là lời tuyên chiến. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân dự kiến sẽ kêu gọi quốc tế can thiệp giải quyết bế tắc hạt nhân với Triều Tiên. Vậy là bán đảo Triều Tiên lại nóng lên với lời cảnh báo chiến tranh! Theo các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế, việc phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa lần này vừa nằm trong chương trình nghiên cứu không gian và cũng là để đáp trả những hoạt động diễn tập của Mỹ và Hàn Quốc bất chấp sự phản ứng của Triều Tiên. 

Liên quan đến tình hình Syria, ngày 21-3, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra Tuyên bố của Chủ tịch về Syria, trong đó yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Bashar Al Asad và các lực lượng đối lập hợp tác với Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A rập Kofi Annan, trong việc chấm dứt khủng hoảng cũng như thực thi "đầy đủ và ngay lập tức" đề xuất của ông Annan về giải pháp hòa bình. 

Một diễn biến mới nhất cũng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và lên tiếng phản đối là cuộc binh biến ở Mali. Ngày 21-3, binh biến đã nổ ra tại Thủ đô Bamako của Mali, một nước ở Tây Phi, khi các binh sỹ nổi loạn tấn công dinh Tổng thống sau khi chiếm trụ sở đài phát thanh và truyền hình quốc gia. Cuộc binh biến được châm ngòi sau khi Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Sadio Gassama bị binh lính phản đối dữ dội trong chuyến thị sát một doanh trại quân đội. Binh lính nổi loạn đã tràn vào Thủ đô đòi lật đổ Tổng thống. 

Ngay sau khi có thông tin về vụ binh biến, cộng đồng quốc tế đã liên tiếng phản đối vụ đảo chính này. Trong diễn biến mới nhất, ngày 22/3, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn của các binh sỹ nhằm tiếm quyền tại Mali. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức, trong đó có một số Bộ trưởng, đang bị giam giữ trong cuộc đảo chính quân sự này.