Lại bàn chuyện cấm lễ hội man rợ

ANTĐ - Sáng 2-7, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015. Hội nghị diễn ra ở 3 điểm cầu phía Bắc, phía Nam và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì mùa lễ hội vừa qua vẫn còn nhiều ồn ào xoay quanh tình trạng tính giá “cắt cổ” của các loại hình dịch vụ cũng như tranh cãi nên hay không duy trì các lễ hội hiến sinh.
Lại bàn chuyện cấm lễ hội man rợ ảnh 1

Phản đối thì vẫn cứ chém?

Những mặt tích cực trong công tác lễ hội đều đã được ghi nhận, ví như hạn chế đốt đồ mã, đổi tiền lẻ tại các khu di tích, tình trạng vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được cải thiện… Tuy nhiên, mùa lễ hội vừa qua lại nảy ra những câu chuyện mới khiến các nhà quản lý đau đầu: Dừng hay tiếp tục phục dựng và duy trì những nghi thức hiến sinh đẫm máu như: lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với nghi thức “chém lợn”; Hương Nha và Xuân Quang (Phú Thọ) với nghi thức “đập đầu trâu”; tục “cướp phết” tại Hiền Quan (Phú Thọ) cho phép đả thương nhau... 

Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng, không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một   lễ hội cổ truyền nào đó chỉ vì có các hiện tượng “tiêu cực” đi kèm mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng, truyền thông.

Tuy nhiên, Cục Di sản Văn hóa cũng đưa ra một vài ví dụ về một số lễ hội hiến sinh trên thế giới, những lễ hội này cũng đang phải đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Cụ thể, tại đền Gadhimai cách Thủ đô Kathmandu 160km về phía Nam của Nepal, nơi có tục hiến sinh lớn nhất thế giới được tổ chức 5 năm/lần với các nghi lễ hiến sinh hàng trăm con trâu, lợn, dê, cừu, bồ câu bằng cách chặt đầu, dâng lên thần... hiện chính phủ nước này cũng đã cắt giảm ngân sách của lễ hội. Hay tại Tây Ban Nha, nhiều địa phương cũng đã ban hành lệnh cấm đấu bò. Một số lễ hội có tục hiến sinh ở nước ngoài đã thay con vật thật bằng đồ mã... 

Thế nhưng với văn hóa phi vật thể, việc cấm bằng một văn bản hành chính cứng nhắc đôi khi không mấy tác dụng. Không thể nói cấm là cấm được luôn. Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai Trần Hữu Sơn đưa ra quan điểm: “Nếu quản lý văn hóa mà bảo cấm là cấm được ngay thì công việc của người làm quản lý dễ quá! Cần phải dần dần thay đổi, có thể đến nhiều mùa lễ hội mới có thể thuyết phục, giải thích được cộng đồng”. Ông Nguyễn Đình Lợi -  Phó Ban Tổ chức Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng phân vân chuyện cấm - không cấm, rằng cho đến nay, làng Ném Thượng đã tổ chức 16 năm lễ hội chém lợn. Qua tổ chức lễ hội, mối quan hệ hàng xóm thân thiết hơn, người dân cùng có trách nhiệm xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Đình Lợi khẳng định: “Sẽ vẫn giữ nguyên nghi lễ chém lợn nhưng thay đổi cho văn hóa, tế nhị hơn”. Song, lợn mang ra chém vẫn là lợn thật, kiên quyết không dùng hình nộm. 

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh lễ hội là của cộng đồng làng xã, không có chuyện cấm tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, hiện nay ranh giới về làng xã không chỉ trong lũy tre làng mà đã có sức ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy rất cần có những cuộc thảo luận giữa cơ quan quản lý và người dân để tìm ra các giải pháp vừa đảm bảo tính trang nghiêm của lễ hội nhưng vẫn phù hợp với xã hội văn minh. Tổng kết tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã đưa ra những điểm lưu ý, trong đó có nhấn mạnh: Cần lên án những lễ hội phản cảm. Văn hóa phải gắn liền với văn minh. Hình ảnh man rợ như “đập đầu trâu” (Phú Thọ), chém lợn (Bắc Ninh) cần chấm dứt, không thể tồn tại.  

Chặt chém là chuyện… dễ hiểu

Thời gian qua dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông đã liên tục đề cập vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền theo hướng tập trung phê phán các hiện tượng tiêu cực. Đó là công tác tổ chức lễ hội còn nhiều hạn chế, việc cấp phép lễ hội chưa có sự giám sát chặt chẽ; có biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé; một số di tích còn hiện tượng hóa nhiều vàng mã không đúng quy định gây tốn kém, làm mất mỹ quan môi trường tại di tích, chặt chém du khách… 

Bức xúc về hiện tượng chặt chém du khách tại lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: “Lâu nay báo chí thường nói nhiều đến hiện tượng nâng giá, ép giá, chặt chém, tại các lễ hội… và có thể khẳng định đây chính là do ý thức của người kinh doanh đã cố tình nâng giá vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này lại có phần trách nhiệm của Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương. Họ quản lý mặt bằng, cho hộ kinh doanh thuê với giá quá cao. Điều này thể hiện ý thức chặt chém từ chính người quản lý”. 

Ông Phạm Xuân Phúc cũng cho biết thêm, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, các cơ quan quản lý cho người kinh doanh thuê 12m2 giá 1 tỷ đồng/năm nên việc 20 nghìn đồng/chai nước, hay 40 nghìn đồng/lon bia là bình thường. Chỉ với 4-5m2 kinh doanh trong mấy ngày lễ hội có thể kiếm đến hàng chục triệu đồng. Ở chùa Hương có được một vị trí kinh doanh phải đấu thầu, có chỗ đến hàng trăm triệu đồng, do đó những người kinh doanh chặt chém du khách cũng là điều dễ hiểu.