Lạc quan - Bi quan
(ANTĐ) - Năm ngoái, gần 500 nhà đầu tư nước ngoài tề tựu tại hội nghị bàn tròn do Tạp chí Economist nổi tiếng thế giới tổ chức, với tâm trạng lo âu về tốc độ lạm phát “phi mã” của Việt Nam lúc đó. Năm nay, với tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ, không khí hội nghị rất khó miêu tả, bởi nửa lạc quan, nửa bi quan.
Là một tổ chức chuyên phân tích thông tin kinh tế có uy tín cao, EIU đưa ra một nhận định khá “u ám” về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh khủng hoảng thế giới. EIU dự báo GDP năm 2009 của Việt Nam chỉ đạt 0,3%. Đây là mức thấp đáng kinh ngạc nếu so với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra là 6,5%. Với tốc độ này, so với các nước lệ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam vẫn còn khá hơn các nước châu Á sẽ bị tăng trưởng âm, nhưng đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ…
Ông Tổng biên tập Tạp chí The Economist chia sẻ: “Tôi khá bi quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong một sớm một chiều mà nhiều ý kiến vội vã cho là sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Tôi lo lắng về tình hình các doanh nghiệp Nhà nước, về tiến trình cổ phần hóa khu vực này khá ì ạch, cũng như về chính sách quá thiên vị các tập đoàn này so với khu vực tư nhân”. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với dự báo của EIU. Tổng Giám đốc hai ngân hàng lớn là Standard Chartered và HSBC lại cho rằng mức tăng trưởng GDP 4-5% là thực tế hơn.
Giới doanh nghiệp, đa số đang làm ăn tại Việt Nam cũng có góc nhìn tươi sáng hơn EIU, nhưng cũng thận trọng hơn và không lạc quan so với mục tiêu của Chính phủ. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh, với thị trường nội địa nhiều sức sống, Việt Nam có thể tăng trưởng 2,5%. Những góc nhìn khác nhau về tăng trưởng kinh tế đều xuất phát từ những phân tích, đánh giá và quan điểm độc lập.
Đơn cử Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt nam nói: “Chúng ta chưa nhìn thấy đáy. Có lẽ phải đến quý 3 năm nay, chúng ta mới xác định được nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào”. Những công ty có mặt tại Việt Nam đều nhận định tương đối lạc quan về tiềm năng trung và dài hạn của Việt Nam, song không chắc chắn về tình hình trong một đến hai năm tới.
Mặc dù tin tưởng và lạc quan, những quan ngại của 300 đại biểu từ 150 tập đoàn là hoàn toàn có cơ sở. Những chỉ số kinh tế nhắc nhở thực trạng kinh tế Việt Nam vẫn “ăn theo” xuất khẩu. Lợi thế cạnh tranh lớnnhất là nguồn nhân lực rẻ, nhưng liệu sẽ duy trì lợi thế này bao năm nữa khi mà thực tiễn giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập và khập khễnh so với yêu cầu phát triển.
Lạc quan hay bị quan đều là thái qua. Hội nghị năm ngoái với chủ đề: “Việt Nam - ngôi sao đang lên” trong con mắt cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị năm nay đã thay đổi chủ đề: “Định vị Việt Nam trong tương lai”. Rõ ràng, cuộc đối thoại với Chính phủ của giới doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam là khách quan, thẳng thắn và chân thành. Việt Nam sẽ được định vị như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta.
Đan Thanh