Lá khởi vàng chưa nhỉ?

ANTĐ - Không phải bởi răng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc "Lá khởi vàng chưa nhỉ" treo đầy trên các phố, trong lòng người mới reo lên câu hỏi ấy.

Mặc dù, cái băng rôn ấy chính thức nhắc cho nhiều người biết rằng, câu hát đầy đủ là "Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ" chứ không phải "rơi vàng" như rất nhiều người, thậm chí cả những ca sĩ đã từng hát như vậy, thậm chí tra cả trên google cũng có từ khóa hiện sẵn lên như vậy. Tuy cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc khi sáng tác và phổ nhạc bài hát "Có phải em mùa thu Hà Nội" (1972) chưa một lần được đến Hà Nội đều biết một điều, đó là, mới tháng Tám, chớm thu, thì một số loài cây ở Hà Nội lá mới chỉ bắt đầu (khởi) vàng chứ chưa thể "rơi vàng" được. 

Cái sự "bắt bẻ" chữ nghĩa này, không chỉ là để hiểu cho đúng, hát cho đúng. Bởi, đôi khi chỉ vì một chữ thôi, nhưng khi cất lên nó thể hiện cả sự hiểu biết, sự sống mặn mà, sự hòa nhập, sự yêu thương và cả sự nhạy cảm với đời sống xung quanh. Hà Nội bao bọc bởi nhiều loài cây, vì vậy quanh năm có lá vàng rơi. Vừa Tết ra, khi có gió mùa, cuối xuân đầu hạ, cuối thu, cuối đông, cứ hễ thay đổi thời tiết là lại có loài cây trút lá, có khi nhuộm vàng óng cả phố. Mỗi dịp ấy là "sự kiện" với những người yêu thích sự lãng mạn, những tay săn ảnh, cả với những người lần đầu tiên được đến với Thủ đô. Nhưng đám bạn tôi, học Đại học ở Hà Nội cùng nhau, giờ vào Nam lập nghiệp, cứ hễ tháng Tám, không ai bảo ai, hầu như ai cũng treo một câu status trên nick chat “Lá khởi vàng chưa nhỉ?”. Đó là nỗi nhớ khắc khoải, là ước muốn nao nao được trở về Hà Nội, về nơi đã từng lưu giữ những kỉ niệm của một quãng đời vô cùng đẹp - đúng vào lúc thu sang. 

Bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào Hà Nội cũng ấn tượng cả. Xuân thì muôn hoa đua nở, mưa bụi lâm thâm lất phất, vừa ướt vừa lạnh, vừa nồng vừa ẩm. Hạ thì nắng nóng gắt gao, nếu không có vị sấu chua thì khó chống chịu nổi. Đông thì rét buốt tê tái, nứt nẻ thịt da. Nhưng chỉ có mùa thu mới khiến người ta nhớ lâu nhất, bền nhất, thấm nhất. Có lẽ, cái hiu hiu của gió heo may, chút lãng đãng hồ Tây, chút mờ cao của bầu trời xanh thẳm, sự dịu dàng, mong manh của thời tiết, của cây lá, của đất trời và cả con người nữa, cứ tự nhiên ngấm vào tâm hồn nhiều người, để những khi ấy, người ở xa thì muốn trở về, người sống ngay trong lòng Hà Nội thì muốn ra đường, muốn cùng bạn đi uống cà phê ngắm trời đất sang thu, muốn tìm một không gian âm nhạc để tâm hồn được reo vui cùng những cảm xúc âm nhạc mà các thế hệ nhạc sĩ đã tìm kiếm, thể hiện. 

Hà Nội có ba mùa đầy gió, đầy mưa, đầy nóng, đầy rét buốt tái tê, nhưng chỉ riêng mùa thu là như hao khuyết, như một vùng lõm của kí ức, của cảm xúc. Và vì thế, "Lá khởi vàng chưa nhỉ" không chỉ là câu hỏi, là niềm đau đáu mà còn là sự chờ đợi cái màu lá vàng ấy, cái màu đầy nhớ nhung ấy sẽ đầy lên để lấp vào khoảng trống không gì có thể thay thế được trong lòng người xa Hà Nội.

Nhưng ngay cả với người ở Hà Nội, tôi cũng reo lên đúng một câu "Lá khởi vàng chưa nhỉ?" để trả lời bạn bè. Để nhắc rằng, chúng ta xa nhau đấy mà vẫn còn được gặp nhau trong mùa thu Hà Nội. Cái mùa thu kì diệu ấy, có thể mở rộng không gian ra tận Sài Gòn, tận Paris, London, tận Cairo, hay cả tận Bắc Cực nữa. Bất cứ nơi nào có người Hà Nội ở, nghĩa là nơi đấy có một mùa thu Hà Nội tràn về cùng tháng Tám. Cũng để nhắc chính tôi rằng, mỗi sớm mỗi chiều, hãy đi chậm, sống chậm hơn chút nữa, để ngắm những bà những chị gánh những "trái na mở mắt nhìn ngơ ngác" đi dọc phố, những bông sen cuối mùa, những đài sen xanh ngắt và ngước mắt lên vòm xanh cao, chờ mùi hoa sữa đầu tiên bung hương theo gió.

Thu.
Thu về.
Thu đã về.

Đó là tiếng reo trong tâm hồn mỗi người khi mùa thu đã mang theo gió heo may, mang theo hương cốm mới chạm vào lòng Hà Nội.