Lực lượng công an, hải quan kiểm đếm tang vật vụ vận chuyển lá “khát” vào nội địa
Nhai lá tươi cũng nghiện Theo tìm hiểu của phóng viên, lá “khát” có nhiều tên gọi khác nhau, song giới mua bán và sử dụng loại ma túy này ở một số quốc gia thường gọi với tên mỹ miều là lá “thiên đường”.
Tên khoa học của loại thảo dược này là “Catha edulis”, đây là một loại cây được trồng lâu năm tại một số nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Mặc dù đã được khuyến cáo việc sử dụng lá “khát” gây tác hại, nguy hiểm đến sức khỏe, song vì lợi nhuận người dân nhiều nước khu vực châu Phi đã bỏ các giống cây trồng lương thực khác để trồng loại cây lá “khát” gây nghiện này.
Theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, hàng năm, thông qua trao đổi thông tin phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy với các quốc gia trên thế giới, Cục CSĐT tội phạm về ma túy được biết ở Mỹ và nhiều nước châu Âu liệt lá “khát” vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm.
Thông thường, những người sử dụng chỉ cần nhai lá tươi hoặc hút lá khô, hay pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn cũng gây nghiện nặng. Dù đã bị cấm nhưng tại Mỹ, một số bộ phận giới trẻ vẫn lén lút sử dụng loại lá “khát” này trong khi tụ tập, chơi bời. Khó có thể ngờ được mức độ tàn phá của loại lá này ghê gớm đến thế, người sử dụng rất khó dứt bỏ và thậm chí bị hoại tử dần xương tủy và gây ra nhiều căn bệnh khó chữa khác. Hơn nữa, nếu trong trường hợp cơn “phê” lá “khát” không chỉ làm cho người sử dụng hành động nguy hiểm như leo lên đỉnh nóc tòa nhà cao hàng trăm mét nhảy xuống, mà còn gây ảo giác nhìn người đối diện chỉ muốn giết chết.
Trung tá Mãn Đức Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết: “Lá “khát” có chứa chất Cathinone, vì vậy sử dụng loại thảo dược này sẽ tạo ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử. Mức độ nguy hiểm của lá “khát” lớn gấp nhiều lần ma túy “đá” và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Loại thảo dược này có thể tinh chế thành chất ma túy Cathinone. Từ chất này có thể tổng hợp với chất Amphetamine thành loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt”.
Thủ đoạn vận chuyển tinh vi
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội, mặc dù, tại địa bàn Hà Nội chưa phát hiện đối tượng sử dụng cũng như hành vi buôn bán loại ma túy này, nhưng với tinh thần chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn từ các cửa ngõ vào Thủ đô.
Không vận chuyển như những đường dây ma túy khác, các đối tượng vận chuyển loại ma túy lá “khát” thường lợi dụng nền nông nghiệp đang phát triển của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam để sau đó chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. Sở dĩ các đường dây này nhằm vào Việt Nam là do nước ta hàng năm xuất khẩu đi các nước trên thế giới số lượng lớn về chè khô. Nhận thấy có thể lập lờ được với loại hàng hóa này, các đối tượng đã đóng bao tải như chè khô của Việt Nam, sau đó vận chuyển qua đường hàng không thông qua dịch vụ chuyển phát bưu điện.
Với việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy xuyên quốc gia, Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an và Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp triệt phá thành công vụ vận chuyển lá “khát”, thu giữ tổng số 199 kiện với trọng lượng khoảng hơn 2,5 tấn vào ngày 12-5 vừa qua. Trước đó, tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM, lực lượng chức năng đã triệt phá, bắt giữ 5 vụ vận chuyển loại ma túy lá “khát”, thu giữ tổng cộng hơn 1,2 tấn cũng với thủ đoạn chuyển phát nhanh từ các quốc gia khác.
Đại tá Mai Sơn Cương, cán bộ Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an cho biết: “Các đối tượng vận chuyển loại ma túy này thường không lộ mặt. Các địa chỉ gửi, nhận thường không rõ, bọn chúng thông qua email hoặc điện thoại. Thông qua đường chuyển phát hàng không, tội phạm ngụy trang thành các loại hàng hóa khác, sau đó đưa vào nước ta để chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội cho hay: “Thời gian gần đây, hoạt động vận chuyển trái phép thảo mộc khô có chứa chất ma túy vào nội địa có diễn biến phức tạp, có tổ chức, quy mô lớn và phạm vi rộng trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Đối với loại ma túy lá “khát”, các đường dây vận chuyển đã lợi dụng nước ta là nước xuất khẩu chè, khi xuất nhập khẩu, các cá nhân và doanh nghiệp đều khai báo với lực lượng hải quan là cây chùm ngây, thảo mộc sấy khô, chè khô… để “qua mặt”.
Nhằm ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi trong gian lận hàng hóa và đấu tranh triệt phá tội phạm vận chuyển hàng cấm, các đơn vị liên quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, giám sát các nguồn hàng, nơi nhận và nơi xuất kỹ lưỡng” - ông Giang nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, các lực lượng chức năng đang tập trung phòng ngừa, đấu tranh mạnh với loại tội phạm này; thường xuyên chủ động phối hợp giữa các đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để thẩm lậu ma túy vào nội địa gây ảnh hưởng đến ANTT. Cùng với đó, các đơn vị cũng tập trung tuyên truyền để người dân biết rõ tác hại của việc sử dụng loại ma túy này không chỉ bị xử lý nghiêm mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người.