“Lá chắn” vaccine bảo vệ con người trước đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác còn diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới, việc tiêm phòng vaccine đầy đủ vẫn được xem là “vũ khí” hiệu quả nhất, có thể tạo thành tấm “lá chắn” hiệu quả nhất để bảo vệ mỗi người và cả cộng đồng trước dịch bệnh.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 là thứ vũ khí và tấm lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ con người trước dịch bệnh nhất là người lớn tuổi có bệnh nền

Tiêm vaccine phòng Covid-19 là thứ vũ khí và tấm lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ con người trước dịch bệnh nhất là người lớn tuổi có bệnh nền

Vaccine vẫn có hiệu quả với các biến thể mới

Sau thời gian ngắn có xu hướng lắng dịu, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những quốc gia và vùng lãnh thổ gia tăng với tốc độ đáng lo ngại. Trong khi đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng gây ra những đại dịch trên thế giới như sởi, bại liệt… vẫn tiềm ẩn mối nguy hiểm nếu không được tiêm vaccine phòng ngừa đầy đủ, và đáng lo ngại không kém là xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm mới như bệnh đậu mùa khỉ.

Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.053 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 43 bang. Do lo ngại về dịch bệnh đậu mùa khỉ, nhiều người Mỹ đã đổ xô đi tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết, hơn 132.000 liều vaccine JYNNEOS - loại vaccine được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ, đã được phân phối từ Kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm hỗ trợ các địa phương ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại sau một thời gian lắng dịu. Tỷ lệ gia tăng cao nhất thuộc về khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào. Số ca toàn khu vực tăng 28% so với tuần trước, số ca ghi nhận cao nhất ở Nhật Bản (269.760 ca, tăng 98%); Australia (257.002 ca, tăng 22%); Trung Quốc (223.915 ca, tăng 17%) và Hàn Quốc (122.234 ca, tăng 92%). Tỷ lệ gia tăng ở khu vực Đông Nam Á tăng 5%.

Cũng như khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, hiện nay việc tiêm đầy đủ vaccine phòng ngừa vẫn được xem là thứ vũ khí hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng như giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân trở nặng. WHO nhiều lần khẳng định, các vaccine phòng Covid-19 được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể phụ BA.5 hiện đang được cho là tác nhân gây ra làn sóng dịch mới. Do đó, cơ quan chuyên môn về y tế lớn nhất thế giới này nhấn mạnh, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang đẩy mạnh tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại) cho người dân, nhất là những người trên 50-60 tuổi, người có bệnh nền, và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi để ngăn ngừa đại dịch tái bùng phát như cách đây 2 năm. Các chuyên gia y tế cho biết, những người sau khi tiêm mũi thứ 4 sẽ được an toàn “hoàn toàn khác”, với nguy cơ lây nhiễm hoặc mắc Covid-19 kéo dài giảm rõ rệt trong nhiều tháng. Những người đã tiêm mũi thứ 4 vẫn có thể tiêm mũi vaccine đặc hiệu với biến thể Omicron - loại vaccine có thể được đưa ra thị trường vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.

Chủ quan, lơ là có thể lại phải trả giá đắt

Nằm trong khu vực mà WHO đánh giá là nơi đang có tỷ lệ ca mắc Covid-19 tăng cao nhất thế giới, dịch bệnh tại nước ta cũng đã diễn biến phức tạp với số ca mắc có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, số người mắc Covid-19 vài tuần trước đã giảm xuống còn

500-700 ca/ngày thì gần đây đã tăng trên dưới 1.000 ca/ngày, trong đó ngày 19-7 ghi nhận 1.085 ca mắc mới. Cùng với đó, số ca bệnh nặng phải thở máy, điều trị tích cực cũng có dấu hiệu gia tăng.

Bộ Y tế cho biết, tính tới nay, gần 100% người dân ở độ tuổi từ 18 trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản phòng Covid-19, khoảng 70% trong số này đã được tiêm mũi 3 (mũi bổ sung). Ngoài ra, gần 99% người từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine cơ bản và đang tiêm mũi 3. Nhiều trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng được tiêm mũi cơ bản.

Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Theo đó, tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO… Tuy nhiên, thời gian qua, do cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát nên nhiều người ngần ngại, không muốn tiêm các mũi 3 và 4. Việc tiêm các mũi 3 và 4 chưa đạt mức yêu cầu đã gây ra những lo ngại ngày càng lớn tại nước ta. Sự lo ngại tỷ lệ thuận với mức độ diễn biến ngày càng khó lường của dịch Covid-19 tại khu vực.

Bộ Y tế cho rằng, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron, là những biến thể có tỷ lệ lây lan nhanh nhất hiện nay của virus SARS-CoV-2. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng. Điều đó khiến dịch bệnh có thể tái bùng phát nếu tấm lá chắn phòng chống kém hữu hiệu. Cũng như trên thế giới, vaccine phòng Covid-19 cho tới lúc này vẫn chứng tỏ là thứ “vũ khí” quyết định để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều nguyên nhân khiến khiến tỷ lệ tiêm các mũi 3 và 4 chưa đạt mức yêu cầu, trong đó quan trọng hàng đầu là xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của không ít người dân. Điều tra sơ bộ cho thấy một số người không muốn tiêm mũi bổ sung, nhắc lại vì thấy dịch Covid-19 đã qua. Một số người cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản, đã mắc Covid-19 là đủ miễn dịch nên không cần phải tiêm nữa. Cũng có người e ngại tiêm sẽ bị các phản ứng phụ, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tại phiên họp gần nhất của Ban chỉ đạo, đã một lần nữa nhắc lại “bài học xương máu” chưa tiếp cận được vaccine khi dịch bệnh diễn biến phức tạp cách đây hơn một năm. Hẳn không mấy người trong chúng ta có thể quên những ngày tháng mà hàng chục tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 khi mà số người nhiễm và đặc biệt số trở nặng, nguy kịch, tử vong tăng rất cao.

Lơ là, mất cảnh giác, thậm chí chủ quan với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 đầy đủ để tạo tấm “lá chắn” hiệu quả cho chính mình, gia đình và cộng đồng, chúng ta có nguy cơ trở tay không kịp, phải trả giá đắt mà “bài học xương máu” cách đây một năm đã cho thấy. Thực tiễn đã khẳng định vaccine chính là tấm “lá chắn” hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trước đại dịch.