Kỳ vọng thúc đẩy du lịch, dịch vụ khi làm đường vành đai 4 Vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại biểu HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và dẫn chứng cầu cạn dài 72 km của dự án có thể nhìn thấy được từ trạm vũ trụ cũng như mong muốn cây cầu được thiết kế đẹp để trở thành công trình văn hóa...
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) nhấn mạnh quy mô, tầm quan trọng của dự án đường vành đai 4 với cầu cạn 72 km "có thể nhìn thấy từ trạm vũ trụ"

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) nhấn mạnh quy mô, tầm quan trọng của dự án đường vành đai 4 với cầu cạn 72 km "có thể nhìn thấy từ trạm vũ trụ"

Kỳ vọng thúc đẩy du lịch, dịch vụ

Tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sáng 20-5... các đại biểu HĐND TP Hà Nội đều thống nhất với sự cần thiết, căn cứ pháp lý của Dự án đầu tư đường vành đai 4- Vùng Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín - 1 trong 7 quận huyện có đường vành đai 4 đi qua) nhất trí với báo cáo của UBND TP.

Từ góc độ địa phương, ông Minh cho rằng đây là công trình rất lớn về quy mô và tổng mức đầu tư từ trước đến nay của Hà Nội. Nhắc đến công trình cầu cạn dài 72 km của dự án, ông Minh cho rằng “từ trạm vũ trụ cũng nhìn thấy được” để thấy quy mô, tầm quan trọng của dự án.

Cho biết Thường Tín phấn đấu thành quận của Thủ đô với du lịch và dịch vụ là mũi nhọn, ông Minh kiến nghị công trình vành đai 4 với phần các cầu cần phải xứng tầm. Ông Minh đề nghị đặt tên cầu cạn là “Chí Nghĩa” với loạt dẫn chứng từ văn học và một số cây cầu lớn ở các địa phương khác

Dẫn chứng cầu Cổng vàng của Mỹ có rất đông du khách đến thăm hàng năm, ông Minh đề xuất thiết kế cầu cạn theo dạng cầu extradosed (cầu dầm - cáp hỗn hợp) để đảm bảo thẩm mỹ, thu hút du khách.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam (huyện Phú Xuyên) khẳng định, tuyến đường vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc, áp lực cho vành đai 3, thúc đẩy phát triển đô thị 2 bên.

Ông Nam đề nghị thành phố lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng dự án và chỉ đạo chính sách bồi thường tái định cư thống nhất giữa các địa phương tránh để khiếu nại, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đại biểu Vũ Mạnh Hải đồng tình với quyết tâm chính trị của Thành phố trong việc đầu tư đường vành đai 4 để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho Thủ đô. Ông Hải đề nghị, đường vành đai 4 đoạn đi qua các làng nghề có tỷ trọng phát triển cao cần chú ý tạo điều kiện phát triển cho địa phương.

“Các cây cầu của dự án ngoài chức năng giao thông cần quan tâm đặc biệt chú ý đến thẩm mỹ, để đây là công trình văn hóa”, đại biểu Vũ Mạnh Hải kiến nghị...

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp

Chi tiết phân kỳ vốn, giải ngân

Báo cáo thẩm tra của HĐND TP nêu rõ việc thành phố tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí 3.825 tỷ đồng để thi công hoàn thành Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026-2030 là cần thiết và có tinh khả thi.

Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án tăng, việc đảm bảo nguồn vốn tăng đáp ứng nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án là cần thiết.

Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026-2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách Thành phố.

HĐND TP đề nghị, việc bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho dự án phải đảm bảo đủ điều kiện về thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn và yêu cầu tiến độ công việc triển khai.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khi thi và cân đối vốn cho dự án, đồng thời thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường trực Quốc hội tại Thông báo nêu trên, đề nghị UBND Thành phố làm rõ dự kiến phân kỳ nhu cầu vốn đầu tư theo từng năm trên cơ sở tổng vốn đầu tư thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, căn cứ ý kiến kết luận tại phiên họp thứ 11 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND Thành phố đã chỉ đạo cơ quan Tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát cập nhật lại số liệu tính toán, bổ sung thêm nội dung dự kiến kế hoạch, tiến độ bố trí vốn và giải ngân các năm.

UBND TP đã hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trình Chính phủ tại Tờ trình số 111/TTr-UBND ngày 18/5/2022, theo đó xác định chủ trương nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được dự kiến bố trí từ Ngân sách Thành phố khoảng 23.524 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 – 2025: 19.477 tỷ đồng, Giai đoạn 2026 - 2030: 4.047 tỷ đồng.

Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 – 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2022, khoảng 100 tỷ đồng; Năm 2023, khoảng 8.397 tỷ đồng; Năm 2024, hoảng 5.955 tỷ đồng. Năm 2025, hoảng 5.025 tỷ đồng.

UBND TP cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm sẽ được UBND Thành phố trình HĐND Thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo luật định.

Thông qua Nghị quyết bố trí, cân đối vốn đầu tư xây dựng đường vành đai 4

100% đại biểu HĐND TP có mặt tại kỳ họp sáng 20-5 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án theo Thông báo số 983 ngày 15/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3;

Triển khai các giải pháp tăng cường nguồn lực, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Thành phố để triển khai thực hiện Dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật;

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên tuyến đường và các cơ chế để huy động tối đa nguồn lực triển khai, thực hiện dự án.

Trong quá trình tổ chức thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Thành phố đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu;

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật...