Kỹ nghệ "chăn"... "cầu thủ"

ANTĐ - Giữa cái thời buổi của khó, người khôn, đi đâu cũng gặp toàn là “sói”, thì các tân sinh viên lần đầu ra chốn thị thành, phồn hoa thừa kiến thức nhưng thiếu kỹ năng sống luôn là đối tượng ưa thích để các chủ bóng, chủ lô, tín dụng đen nhắm tới lôi kéo, dụ dỗ bằng đủ mọi cách.

“Giàu ở nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố”, thế nên những cô cậu tân sinh viên nào có chút máu chơi, tí sĩ diện, đua đòi đẳng cấp, ra vẻ ta đây dân quê, nhưng người phố đừng có coi thường, luôn được “ưu tiên” để giới chủ bóng, chủ lô, tín dụng đen đưa vào danh sách “cầu thủ” tiềm năng để … “thả thóc, bắt gà”.

Ai ra phố lần đầu chả lơ ngơ, có tiền mà không biết chơi chỉ tổ bị chửi là... đú bẩn. Thế nên được mấy anh trên (khóa trên), rồi mấy ông bạn thành phố mới lần đầu gặp nhưng tưởng đã thành tri kỷ cho nếm mùi đời thành phố thì không ham, không thích mới là chuyện lạ.

Thả thóc

Khu vực xung quanh các trường đại học luôn là mảnh đất béo bở cho đủ loại ký sinh ăn bám sinh viên để sống, để giàu - từ dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà trọ, quán game cho đến các loại tệ nạn như cờ bạc, cho vay nặng lãi... Mỗi mùa tuyển sinh đón thêm một lứa sinh viên mới, chưa biết tương lai sẽ ra sao, nhưng chắc chắn là sẽ góp phần làm giàu thêm cho những loại ký sinh này.

Để chăn dắt đám sinh viên hay còn được gọi là “cầu thủ” này, giới chủ bóng, chủ lô, tín dụng đen luôn sử dụng một đám thanh niên đóng giả dân chơi và thậm chí là những sinh viên khóa trên cũng từng là “cầu thủ”, là nạn nhân giờ đã thành cáo, thành sói chuyên đi săn lùng, tìm kiếm các “cầu thủ” tiềm năng để cho vào tròng. Lũ người này, được gọi là lũ “tam mao”. Tiền ư, đồ hiệu ư, xe ga, ô tô ư... các anh đầu tư cho hết. Lũ ‘tam mao” chỉ có việc thả thóc, bắt gà. Xác định đúng đối tượng “cầu thủ” cần săn, về báo cáo các anh, kinh phí sẽ được duyệt chi. Được ăn, được chơi, được mặc đồ hiệu, đi xe đẹp rồi được tiền thưởng khi con mồi sập bẫy, nên cũng không có gì khó hiểu khi không ít kẻ sẵn sàng biến mình thành lũ “tam mao” phục vụ cho lũ quỷ chuyên tìm cách “hút máu” sinh viên.

Cái trò chăn dắt, dụ dỗ những sinh viên gia đình có điều kiện, nhưng đua đòi, sĩ diện vẫn là mấy cái màn xưa như trái đất vậy mà hết lứa sinh viên này đến lứa sinh viên khác vẫn không ít người sập bẫy ngon ơ. Đầu tiên là mấy anh khóa trên, hay không biết ở đâu ra, mấy công tử thành phố sành điệu mon men làm quen, qua lại giao lưu. Cặp kè với những người dùng toàn đồ hiệu, xe tay ga đời mới, ô tô rú ga, bánh miết xuống đường quay vòng gần như tại chỗ rồi biến mất trong con mắt “ngẩn ngơ” của các bạn sinh viên xung quanh, cô cậu sinh viên nào có diễm phúc làm bạn với những dân chơi đó mà chả thấy hãnh diện, thấy oai và tự thấy mình cũng đang … lên đời.

Tiếp đến là đi chơi, đi ăn, mua sắm hàng hiệu với đám dân chơi đó, tiền không phải nghĩ, đã có anh em bao. Bởi với dân chơi đã là anh em thì của anh cũng như của em và ngược lại. Nhưng tiêu của anh em mãi cũng thấy thẹn, thấy áy náy và thấy cứ như thế thì cũng không thể được. Nhà mình cũng có điều kiện chứ đâu đến nỗi.

Sinh viên thì lấy đâu ra tiền, nhà có điều kiện đến mấy chơi một đêm dăm ba chục triệu là kinh lắm rồi. Thế là lại tìm cách xoay, nào là học thêm tiếng Anh, tin học, nào là đi thầy, là vòi vĩnh gia đình chu cấp thêm... Nhưng xin mãi cũng phải hết... văn (lý do). Giờ đã mang tiếng dân chơi, có số, có đẳng cấp ở trường, trong giới sinh viên. Quen cái thói có hotgirl ôm eo, lên bar, lên sàn hơn... lên lớp, khắp người toàn đồ hiệu, ăn tiêu sặc mùi tiền vung vãi, túi mà không có tiền thì nhục quá, nghe chừng không ổn rồi.  Và từ đây các cầu thủ bắt đầu sập bẫy.

Bắt “gà”

Thường ở đời, muốn có tiền nhanh và nhiều chỉ có đi ăn cướp, ăn trộm... Nhưng đấy là hạ sách của kẻ hạ lưu đường cùng. Với đám “cầu thủ” này đích ngắm được lũ “tam mao” hướng tới luôn và duy nhất là... cờ bạc.

Và từ đây đám “cầu thủ” bắt đầu sống cuộc đời mới: sáng ngủ, chiều lô, đêm bóng đá. “Cầu thủ” nào máu mặt, ham đỏ đen thậm chí còn lên sới đủ cả từ xóc đĩa, ba cây, chọi gà...

Nhưng ở đời, đã dính vào cờ bạc chỉ có thua chứ làm gì có thắng. Đầu tiên còn có đồ để cầm cố, vay mượn bạn bè, xin xỏ, văn vở bố mẹ để có tiền đánh bạc. Rồi cũng đến độ hết đồ, hết chỗ vay, hết lý do để xin tiền... Ấy là lúc đấy lũ “tam mao” sẽ rỉ tai chỉ cho mấy ông anh, bà chị lớn lấy cho trang bóng về đánh, rồi báo cho con lô, con đề vài ba nghìn điểm. Cứ chơi đi, có thua thì nợ lại. Và khi số tiền nợ bị khoanh vùng không cho chơi tiếp thì đám “cầu thủ” mới chợt hoang mang, lo lắng. Thế là lại được rỉ tai, có mấy ông anh, bà chị cho vay lãi không thế chấp (không cầm cố tài sản), đang cơn đau đầu vì tiền có cửa xoay tiền ngon quá, nhắm mắt nhắm mũi như con thiêu thân bất chấp lãi cao khủng khiếp lao vào xin vay. Với “cầu thủ” lúc này bắt buộc phải ra sân thi đấu, nên miễn là có tiền, muốn tính lãi sao thì tính.

Cho vay không thế chấp sẽ rủi ro nếu gặp phải gia đình nào mà bố mẹ “rắn”, lúc đó sẽ khó đòi, lấy gốc đã khó chứ đừng mong thu lãi. Nên để được vay tiền, các “cầu thủ” sẽ phải viết giấy thuê xe, rồi sau đó viết giấy đặt xe, giá trị chiếc xe khi viết giấy thuê xe sẽ tương ứng với số tiền vay. Và khi số nợ cộng lãi được khoanh vùng, người vay sẽ phải viết lại giấy vay với số tiền cộng gộp gốc và lãi để hợp pháp hóa số tiền lãi. Gia đình nào mà có ý định dây dưa, lần khần không trả cho con em mình, khi đó giấy thuê xe sẽ được đem ra, không bỏ tiền trả nợ, nghĩa là không chuộc xe hóa ra con em họ thuê xe mang đi cắm. Ấy vậy thì tội lừa đảo lù lù ra đó, có chạy đằng trời.

Và... báo nhà

Để có thể moi được nhiều lần và nhiều tiền từ mỗi gia đình đám sinh viên ngu muội đó, những kẻ chăn dắt thường dùng thủ đoạn lúc đầu báo ít một để các gia đình không bị sốc, và bản thân những sinh viên báo nhà (báo nợ cho gia đình) cũng coi đó thành thói quen. Cứ dần dần số tiền sau mỗi lần báo để gia đình trả nợ sẽ được tăng dần.

Các ông bố bà mẹ, sau một vài lần đến khi không thể chịu nổi cũng không biết phải làm cách nào vì con mình đẻ ra bỏ thì thương, vương thì tội, chỉ biết thở vắn, thở dài: sinh ra đứa con trời đánh. Con cái thì thấy bố mẹ trả nợ cho, thấy nhà mình có tiền thành ra nhơn nhơn. Và một điều nguy hiểm nữa là, các ông bố bà mẹ mỗi lần trả nợ cho con tưởng rằng đã trả hết số tiền nợ, nhưng thực chất rất ít sinh viên nói thật số tiền nợ với bố mẹ. Phần thì sợ và phần nữa, ngu muội ở chỗ chủ nợ luôn ngon ngọt cho nợ lại một ít bao giờ có thì trả sau. Chúng làm thế để con nợ không bao giờ dứt được nợ. Sau một thời gian, thấy chúng không đòi tiền, cứ tưởng chúng tử tế, nạn nhân tưởng yên ổn, an tâm làm lại cuộc đời thì chúng lại bắt đầu đến đòi. Chả nhẽ lại đi báo nhà số tiền ít ỏi đó, đã báo thì cho ra báo, thế là lại quay ra cờ bạc tìm vận may có tiền trả nợ. Cứ như thế vòng xoáy cờ bạc, nợ nần sẽ theo sinh viên đó cho đến khi gia đình không còn khả năng và bất lực mặc kệ số phận con em mình đến đâu thì đến.

Vĩ thanh

Người viết đã chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên báo nhà. Phải nói là những kẻ chăn dắt các em là những kẻ dã man, không tính người, chúng không chỉ hủy hoại những con người trẻ tuổi, mà còn làm đau khổ, tan vỡ biết bao gia đình.

Tôi có một người bạn, ngày đứa con trai của bạn đỗ vào trường Học viện Ngoại giao, cũng là ngày bắt đầu một chuỗi những ngày buồn của đau khổ của gia đình bạn tôi. Học được kỳ đầu tử tế, sang đến kỳ sau, không kỳ nào là cậu chàng này không báo nhà lên trả nợ. Nhẹ thì cũng dăm bảy chục triệu, nhiều hơn thì một đến hai trăm triệu. Khuyên can con mãi cũng không xong, trả nợ cho con nhiều cũng thành quen. Thôi thì số tiền đó gia đình vẫn cứ cố được. Nhưng đến năm cuối, khi ông con giời đánh về thông báo số nợ lên tới hơn 2 tỷ đồng thì cả nhà mới ngã ngửa. Hóa ra việc lần nào cũng thanh toán tiền nợ cho con lại trở thành giúp sức cho nó tạo dựng uy tín với chủ nợ. Thấy đào được cái mỏ vàng, không chỉ một, hai... mà nhiều kẻ khác đã không ngừng lôi kéo con bạn tôi lấy trang bóng, báo con lô, vay nặng lãi... Bốn năm con đi học, là bốn năm kéo cày trả nợ, giờ năm cuối, con sắp lấy bằng, chả nhẽ lại buông con, để cho nó phải tự gánh chịu hậu quả? Anh đau khổ, suy nghĩ đến gầy rộc. Hận lô đề, cá độ bóng đá, hận bọn cho vay. Nhưng bất lực. Cuối cùng vẫn phải quyết định bán nhà trả nợ cho con. Thôi thì con mình rứt ruột đẻ ra, đau lắm, xót lắm, không còn muốn nhìn mặt nhưng lẽ đời “con làm cha phải gánh” tránh sao được.

Những kẻ làm tiền trên lưng lũ trẻ là thất đức. Nhưng thành thực mà nói, để xảy ra điều đó, lỗi lại nằm phần lớn ở lũ trẻ này. Sống với bạn tốt ư, chơi đẹp ư.... Tất cả chẳng để làm gì khi bản thân chúng đối với đấng sinh thành ra mình lại có cách sống, cách đối xử, cách báo hiếu không ra gì.