Kỹ năng cho người giúp việc
(ANTĐ) - Hiện nay nhu cầu tìm người giúp việc gia đình ngày càng tăng nhất là đối với những gia đình trẻ sau khi sinh con, nhưng để tìm được những người giúp việc có kỹ năng và thạo việc thì không phải là một điều đơn giản. Bởi đa phần người giúp việc gia đình là những chị em ở các vùng nông thôn, nên những kỹ năng còn hạn chế, thậm chí còn không đáp ứng được yêu cầu về công việc.
Bối dưỡng kiến thức cho người giúp việc tại Công ty Vietfone |
Ở các vùng nông thôn hiện nay rất nhiều nơi bị mất đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án, các khu công nghiệp, người dân rơi vào cảnh không có công ăn việc làm nếu không có nghề phụ, vào những dịp nông nhàn hoặc hy vọng cho một cuộc sống tốt hơn, nhiều người đã kéo nhau lên thành phố làm thuê, trong đó có phụ nữ.
Đa phần là do trình độ học vấn thấp, sự nhận thức chậm nên họ không có điều kiện để tiếp xúc làm quen với các thiết bị hiện đại trong gia đình ở thành phố. Chính vì vậy khi được nhận vào giúp việc cho các gia đình thì họ tỏ ra lóng ngóng, không biết sử dụng, thậm chí khi sử dụng không đúng cách còn làm hỏng các thiết bị này. Chị Hà Thúy Vân ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính than thở: Nhà chị đã thuê 3 người giúp việc nhưng chưa người nào chị thấy vừa ý.
Có một lần khi người giúp việc ở nhà chăm sóc trẻ không may chúng va vào tủ gương bị đứt tay chảy máu người giúp việc lại đi xin thuốc lào về cầm máu về đến nơi máu đã chảy quá nhiều, trong khi ở nhà có gạc và băng bông thì lại không biết sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Mậu, một người giúp việc quê ở Hòa Bình cho biết: Trước đây tôi cũng bị nghỉ việc do làm hỏng một số thiết bị trong gia đình, sau đó tôi tham gia một khóa học 1 tháng chỉ mất có 100.000 đồng. Nên bây giờ lương cũng cao hơn tôi đang được 1,1 triệu/tháng và được chủ nhà quý mến. Hiện nay tình trạng người giúp việc gia đình thiếu những kỹ năng cơ bản đang là vấn đề chung của những người làm nghề này.
Nghề giúp việc gia đình ở nước ta vẫn chưa được coi là một nghề thật sự, người đi giúp việc gia đình vẫn quan niệm theo kiểu thời phong kiến là quan hệ chủ - tớ nên họ không ý thức được về công việc. Mới đây đã có một số trung tâm mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho người giúp việc gia đình nhưng số lượng học viên theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặc dù học phí cho mỗi khóa học không cao.
Tại Trung tâm Trí thức bách khoa giáo dục thuộc Hội Khuyến học Việt Nam mỗi khóa đào tạo cơ bản cho người giúp việc gia đình học trong 1 tháng là 100.000 đồng, khóa học 2 tháng là 200.000 đồng, nhưng mỗi khóa học các trung tâm chỉ đào tạo được từ 10-15 người.
Mặc dù với mức học phí thấp nhưng xem ra người lao động cũng không mặn mà với việc học. Vậy nguyên nhân này là do đâu? Theo ông Trần Duyên Hải - Giám đốc Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo: Cái quan trọng nhất vẫn là ý thức của người lao động, họ phải ý thức được nghề họ đang làm và phải gắn bó với nghề, hơn nữa người lao động phải có tính kỷ luật và tác phong công nghiệp thì họ mới làm được việc.
Người lao động ở nước ta vẫn quan niệm rằng khi đi làm thì không nhất thiết phải học qua trường lớp, họ đâu có biết rằng khi được đào tạo họ sẽ nhận được mức lương cao hơn và được đảm bảo về công việc.
Anh Phạm Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty Vietfone cho biết: Các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được công ty ký hợp đồng với chủ nhà về mức lương và sự đảm bảo về công việc, nên rất nhiều gia đình muốn nhận học viên của công ty sau khi đào tạo xong.
Cái khó khăn nhất hiện nay là chị em đã có tuổi nên rất ngại học do sự tiếp thu chậm, ngoài ra người lao động không có ý thức tổ chức kỷ luật nhiều khi họ bị nghỉ việc là do vô ý thức tổ chức kỷ luật.
Ở các nước trên thế giới, nghề giúp việc gia đình được đào tạo cơ bản trong trường học, còn ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây khi những người đi xuất khẩu lao động với nghề giúp việc gia đình thì họ mới được đào tạo những kỹ năng này, việc đào tạo ở trong nước còn đang bị bỏ ngỏ.
Các nước trên thế giới luôn than phiền về ý thức của lao động Việt Nam vẫn còn quá yếu kém, họ không ý thức được nghề họ đang làm, trong tiềm thức của họ chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài.
Đã đến lúc chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về nhận thức cho người lao động, đồng thời các gia đình nên coi nghề giúp việc gia đình là một nghề thật sự. Bên cạnh đó cần mở rộng các loại hình đào tạo nghề để người lao động được học và nâng cao tay nghề giúp họ có cuốc sống ổn định hơn.
Lê Quân