“Kỷ lục” buồn

(ANTĐ) - Bộ Công thương vừa công bố dự kiến mức nhập siêu hàng hóa trong năm 2008, năm bản lề kinh tế, sẽ vào khoảng 16,97 tỷ USD, bằng 28,75% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu dự kiến không sai, mà thường là đúng hơn cả dự kiến, thì năm nay Việt Nam lại phá “kỷ lục” nhập siêu do chính mình đạt được trong năm 2007: nhập siêu 12,3 tỷ USD, bằng 25,6% kim ngạch xuất khẩu.

“Kỷ lục” buồn

(ANTĐ) - Bộ Công thương vừa công bố dự kiến mức nhập siêu hàng hóa trong năm 2008, năm bản lề kinh tế, sẽ vào khoảng 16,97 tỷ USD, bằng 28,75% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu dự kiến không sai, mà thường là đúng hơn cả dự kiến, thì năm nay Việt Nam lại phá “kỷ lục” nhập siêu do chính mình đạt được trong năm 2007: nhập siêu 12,3 tỷ USD, bằng 25,6% kim ngạch xuất khẩu.

Xem ra mọi “vũ khí” sắc bén nhất đã được đem ra mà vẫn không “trị” nổi “đối thủ” cứng đầu này, bởi vì điều mấu chốt là toàn bộ nền kinh tế nước nhà hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài trong một thời gian dài.

Năm đầu tiên gia nhập WTO, mức nhập siêu của năm 2007 đã tăng vọt so với nhiều năm trước. Tuy thế, mức nhập siêu “kỷ lục” chiếm tới 2/3 chính là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Điều này nói lên thực trạng gì? Nó chứng tỏ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa nắm bắt được cơ hội để gia tăng giá trị cho hàng hóa trong nước.

Mặc dù, lượng hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu chỉ chiếm 3% (khoảng 2 tỷ USD) trong tổng kim ngạch, nhập khẩu, song cũng báo động sức cạnh tranh yếu kém của hàng hóa trong nước.

Nhìn vào “rổ hàng” xuất khẩu, tuy nhóm hàng chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ chất xám có “nặng cân” hơn tí chút, nhưng quy mô xuất khẩu vẫn “cò con”, đặc biệt dễ bị “tổn thương” trước những biến động bên ngoài như giá cả, nguyên vật liệu. Bởi vậy, càng gắng sức  tăng xuất khẩu thì tỷ trọng nhập siêu càng lớn.

Đúng là con đường vòng thúng không có lối ra. Nhìn tổng thể cả 4 giải pháp được Bộ Công thương đề ra để kiềm chế nhập siêu năm 2008 này đều chưa thấy “lóe sáng” phương thuốc đặc trị nào khả dĩ. Trên thực tế, việc thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng cán cân thanh toán vốn được coi là giải pháp chủ yếu và lâu dài để hạn chế nhập siêu, nhưng không hề đơn giản.

Vì sao? Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2008, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm trước đây đều giảm sút do yêu cầu bảo đảm chính sách an ninh năng lượng (dầu mỏ) và an ninh lương thực quốc gia (lúa gạo).

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, có thế  mạnh chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, dầu thô, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, thì do hạn chế về diện tích, thời tiết, năng suất và cả thị trường tiêu thụ, cho nên các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ khó tăng trưởng cao, thậm chí sẽ “bão hòa” như thủy sản đạt ngưỡng 4,25 tỷ USD; gạo đạt 1,5 tỷ USD. Các mặt hàng được thế giới biết tiếng và ưa chuộng như cà phê, chè, hạt điều cũng chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hoặc giảm.

Đã từ mấy năm nay, Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã nhìn thấy nguy cơ nhập siêu và đề ra mục tiêu giảm nhập khẩu bằng cách đẩy mạnh sản xuất trong nước các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, nội địa hóa hàng xuất khẩu để giảm dần và tiến tới thay thế nhập khẩu.

Tiếc thay tình hình chuyển biến khá chậm. Để kiềm chế lạm phát, Nhà nước đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, như vậy nhập siêu sẽ khó giảm mà còn có cơ hội tăng lên và tỷ trọng hàng tiêu dùng trong “rổ hàng hóa” nhập khẩu cũng “nặng cân” hơn. Chắc chắn năm 2008 này, “kỷ lục” nhập siêu lại bị phá vỡ, một “kỷ lục” đáng buồn.

Đan Thanh