Kỷ luật nghiêm hiệu trưởng mới chống được lạm thu tiền trường

ANTD.VN - “Lâu nay vẫn xảy ra tình trạng nể nang, không xử lý nghiêm hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm chính, dù phát hiện nhiều khoản thu không đúng quy định trong trường học”, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội nhấn mạnh.

Kỷ luật nghiêm hiệu trưởng mới chống được lạm thu tiền trường ảnh 1

Phụ huynh bức xúc trước nhiều khoản thu vô lý đầu năm học

“Bùng nổ” các khoản thu vô lý

Mới chỉ bước vào năm học mới hơn nửa tháng nhưng khắp cả nước, ở các tỉnh, thành phố lớn đều bùng phát những thông tin bức xúc về các khoản tiền trường sai quy định, gây khó khăn cho người dân khi lên tới tiền chục triệu đồng. Ngay tại Hà Nội, các trường đã bị phản ánh và thanh tra hàng chục khoản thu không đúng quy định như trường Tiểu học Uy Nỗ, Đông Anh; Tiểu học Hoàng Diệu, Ba Đình; Tiểu học Hải Bối, Đông Anh...

Kết quả kiểm tra tại trường Tiểu học Hải Bối được bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT Đông Anh thông báo, nhiều khoản thu  không đúng quy định bị yêu cầu dừng triển khai và trả lại phụ huynh. Mặc dù đã giải trình nguyên nhân nhà trường phải thu tiền thuê phông bạt sử dụng trong cả năm học bởi tăng cường nhiều hoạt động ngoài trời trong điều kiện sân không có bóng mát với mức thu 50.000 đồng/học sinh, tuy nhiên, Phòng GD-ĐT Đông Anh đã yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường dừng việc triển khai thu tiền thuê phông bạt, không để phụ huynh huy động từng năm học. 

“Để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm là do người đứng đầu ngành giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, không theo dõi giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn”.

Ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Phòng GD-ĐT Đông Anh cũng yêu cầu nhà trường dừng việc triển khai thu quỹ khuyến học năm học 2017-2018 từ phụ huynh với mức thu 70.000 đồng/học sinh và nghiên cứu, xây dựng kế hoạch vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… (trên tinh thần tự nguyện) để xây dựng quỹ.

Thông tin đóng thêm 100.000 đồng/tháng hỗ trợ soạn giảng ở lớp mũi nhọn và 35.000 đồng/tháng đối với một số lớp có máy chiếu do phụ huynh phản ánh là đúng. Vì vậy, trường này đã chủ động chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trả lại tiền cho phụ huynh học sinh và chuyển hồ sơ chi trả về Phòng GD-ĐT.

Đình chỉ Hiệu trưởng lạm thu: Phụ huynh ủng hộ

Hiện nay, điều mà phụ huynh vẫn thắc mắc là với lỗi lạm thu đã nêu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và các cấp quản lý sẽ xử lý ra sao để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội cho rằng, công tác xử lý vẫn chưa nghiêm, vẫn còn sự nể nang, cho qua mặc dù ai cũng thấy Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi hoạt động xảy ra trong trường học.

Khi đã xác định rõ sai phạm, rõ trách nhiệm cá nhân thì việc xử lý phải công khai, đúng quy định để mọi người cùng biết, từ đó mới không xảy ra tình trạng lạm thu tương tự ở các cơ sở giáo dục khác. Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT chỉ kiểm tra, thanh tra không mà địa phương không xử lý mạnh tay với người đứng đầu cơ sở vi phạm thì hiệu quả chống lạm thu cũng không cao. 

Bức xúc vì lạm thu, phụ huynh rất hưởng ứng biện pháp xử lý cán bộ vi phạm nghiêm túc của UBND huyện An Dương, Hải Phòng. Sau khi Thanh tra Bộ GD-ĐT về thanh tra trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng và công bố hàng loạt các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa mà trường đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện thu không đúng thì UBND huyện An Dương đã công bố quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của bà Lê Thị Thu Thủy vào ngày 19-9.

Trước đó, phụ huynh trường này đã phản đối các khoản thu của nhà trường và yêu cầu xử lý kỷ luật hiệu trưởng. Tổng mức thu của trường này lên tới hơn 10 triệu đồng/học sinh như tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập: 805.000 đồng, đồng phục 400.000 đồng; ủng hộ cơ sở vật chất thu học sinh đúng tuyến: 1.300.000 đồng; trái tuyến: 1.500.000 đồng. Trường cũng huy động lắp đặt hệ thống điện, đèn và quạt cho khu nhà mới và bàn ghế cho cho sinh lớp 1:  228.345.000 đồng; trang bị 12 điều hòa: 110.000.000 đồng….

Có thể thấy, việc phát hiện lạm thu không khó nhưng việc xử lý triệt để, tránh tái diễn từ năm này sang năm khác lại là việc không dễ thực hiện. Bức xúc của phụ huynh đã tích tụ từ năm học này sang năm học khác gây mất niềm tin đối với hình ảnh người thầy và môi trường giáo dục. Bộ GD-ĐT rõ ràng phải chấn chỉnh nghiêm khắc để hạn chế tối đa tình trạng này. “Cứ kỷ luật nặng Hiệu trưởng, công bố công khai trên báo chí, hỏi trường nào còn dám lạm thu”, một vị phụ huynh nêu quan điểm.

Phải xử lý nghiêm cá nhân vi phạm

Vừa qua, Bộ GD-ĐT thanh tra tại 4 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy, nhiều trường đã có biểu hiện lạm thu, thực hiện nhiều khoản thu thỏa thuận không đúng quy trình theo quy định tại Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định hiện hành về vấn đề này còn chung chung, nhiều cha mẹ học sinh dù biết khoản thu không đúng quy định nhưng vẫn không dám lên tiếng vì sợ con mình bị giáo viên chủ nhiệm để ý, trù dập.

Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề lạm thu tại các trường, mỗi phụ huynh phải phản ánh tới cơ quan quản lý giáo dục khi phát hiện có khoản thu bất hợp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.

Bộ GD-ĐT cũng cần sớm rà soát, bổ sung các quy định về minh bạch thu, chi trong các nhà trường, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết công tác tài chính cho giáo dục.

Ngoài ra, việc tăng cường xã hội hóa các hoạt động trong GD-ĐT tại các trường công lập từ sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần được coi như một trong các giải pháp hữu hiệu chống lạm thu ở các trường dưới danh nghĩa cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học. 

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nên giải tán Hội phụ huynh nào bị biến thành “phụ thu học sinh”

Tôi cho rằng, vai trò của Hội phụ huynh đang bị biến tướng với mục tiêu “phụ thu học sinh” trong khi hội phải là nơi gắn kết cha mẹ học sinh, kết nối với nhà trường nhằm chăm lo việc học cho con em tốt nhất, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn. Ngân sách hàng năm cho giáo dục rất đáng kể, cơ sở vật chất nhà trường có Nhà nước lo vậy hà cớ gì cứ đầu năm là phụ huynh thu để lắp máy lạnh, sửa nền gạch, sửa nhà vệ sinh?

Việc nhà trường hay Ban đại diện cha mẹ học sinh cho rằng việc thu phí trên hoàn toàn tự nguyện là khiên cưỡng, không nhìn vào sự thật. Bởi rất ít phụ huynh dám lên tiếng hoặc không tham gia đóng phí vì lo con mình bị trù dập. Ở nhiều trường, phụ huynh đứng ra thu phí thực chất họ là “cánh tay nối dài” của nhà trường nhằm hợp thức hóa các khoản phí ngoài quy định. Tôi đề nghị nên giải tán Hội phụ huynh khi họ không còn làm tốt vai trò chủ yếu của mình nữa.

Ông Võ Quốc Bình (Phụ huynh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM)

Nhu cầu chưa được đáp ứng tạo kẽ hở cho lạm thu

Chúng ta cần hiểu thế nào là lạm thu? Luật Giáo dục quy định ngoài học phí không được thu bất kỳ khoản nào khác liệu có thực hiện được không khi học phí của học sinh chỉ có 30.000 đồng đến 40.000 đồng mỗi tháng. Nhà trường còn phải làm các dịch vụ cho học sinh, đơn giản nhất như giữ xe, nếu không thu thì lấy đâu tiền thuê giữ xe. Điều này dẫn đến việc, quy định vẫn cấm, kẽ hở thu vẫn có, nên nhiều nơi thu quá dẫn đến lạm thu. 

Về cơ sở vật chất, có một điều rất vô lý là nhiều trường năm nào cũng thu tiền điều hòa khi học sinh và phụ huynh có nguyện vọng. Nhưng điều hòa cả chục năm mới hỏng, vậy có thể sử dụng cách vay tiền của Hội phụ huynh, sau đó khi học sinh ra trường thì trả lại tạo nên sự sòng phẳng.

Để chống lạm thu, vấn đề học phí cũng phải xem xét lại khi ở các cấp hiện tại học phí chỉ có tính tượng trưng với mức vài chục nghìn mỗi tháng. Tôi cho rằng nên tăng học phí, điều này cần chính phủ và các cơ quan địa phương quy định. 

GS. Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Không nên dễ dãi giao quyền tự chủ

Đánh giá về tình trạng lạm thu trong trường học hiện nay, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là từ vấn đề giao tự chủ cho các trường. Các trường được tự chủ trong các khoản thu ngoài học phí theo nhu cầu thực tế dù có thông báo với các cấp quản lý.

Tuy nhiên, để giám sát được các khoản thu hợp lý mà không biến thành lạm thu thì các trường cần phải đảm bảo các điều kiện để được tự chủ. Tôi cho rằng chỉ những trường được đánh giá kiểm định chất lượng, đảm bảo năng lực của hội đồng trường và thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình thì mới được giao quyền tự chủ và thực hiện xã hội hoá thu hút các khoản đóng góp từ phụ huynh học sinh.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến (Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo)