Kỳ lạ vụ đánh cắp tượng bàn tay của Abraham Lincoln

ANTĐ - Một vụ án không hề có nhân chứng, cảnh sát thậm chí cũng không chắc chắn nó xảy ra khi nào. Bức tượng thạch cao tạc bàn tay vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ giá trị vật chất không đáng kể nhưng theo nhận định của ông Larry Regnier - Cảnh sát trưởng thành phố Kankakee, bang Illinois: “Đối với chúng tôi, tượng Lincoln là một báu vật địa phương”. 

Kỳ lạ vụ đánh cắp tượng bàn tay của Abraham Lincoln ảnh 1Tượng Abraham Lincoln cùng tác phẩm đặc tả bàn tay của ông được trưng bày tại 
Viện bảo tàng Kankakee

Có thể là một trò đùa

Tác phẩm điêu khắc bằng thạch cao đặc tả bàn tay Abraham Lincoln - vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ là niềm tự hào của Bảo tàng Kankakee, bang Illinois, Mỹ nhiều năm qua. Vậy mà nó đã bị mất trộm ít nhất  từ ngày 11-12. Vụ trộm xảy ra tại thành phố có đông dân cư thuộc tầng lớp lao động nhưng có nhiều tình cảm với vị cựu Tổng thống  Lincoln  khiến nhiều người bất ngờ.

Giám đốc điều hành của bảo tàng, bà Connie Licon nói rằng bàn tay điêu khắc đó đã được trưng bày từ năm 1991. Đây là vụ trộm tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trong hơn 20 năm bà gắn bó với bảo tàng này. Các lãnh đạo viện bảo tàng cho rằng vụ trộm có thể là một trò đùa và kết quả điều tra ban đầu sẽ được đưa ra sau vài ngày nữa. Cảnh sát hy vọng ai đó có thể cung cấp thông tin về tên trộm sau khi họ đăng hình ảnh bàn tay kèm kích cỡ lên Facebook.

Đó là tác phẩm của nhà điêu khắc George Grey Barnard. Ông đã dành một phần thời thơ ấu của mình ở Kankakee vào khoảng thời gian ông Lincoln bị ám sát và sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Lincoln thường được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của Barnard. Tác phẩm điêu khắc này được trưng bày cùng với các tác phẩm khác về Lincoln tại một phần bảo tàng vốn được xây để giới thiệu tác phẩm của Barnard.

Từ một nghị sỹ bang Illinois lên làm Tổng thống, nhưng ông Lincoln vẫn được người dân bang này yêu mến và kính trọng dù đã 150 năm trôi qua. Ông làm Tổng thống Hoa Kỳ từ tháng 3-1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4-1865. Tổng thống  Lincoln đã thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức – cuộc nội chiến Mỹ - duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. Gương mặt của ông được in trên các biển số xe ở đây và bang Illinois tự gọi là “Mảnh đất của Lincoln”. Gần điểm cuối của Kankakee còn có một bức tượng  Abraham Lincoln vẫy chào những người lái xe qua đây.

Thi thể của Lincoln từng là mục tiêu đánh cắp

Cảnh sát ước tính bức tượng bàn tay  bị lấy đi trị giá 5.000 USD nhưng họ cũng cho rằng tác phẩm nghệ thuật này là “vô giá”. Ông Jack Klasey, một nhà nghiên cứu lịch sử địa phương nói rằng: “Gần như không có cách nào để đưa ra giá trị đối với một vật như thế này vì nó không có thị trường”.

Vụ trộm xảy ra vào đầu tháng bận rộn nhất của viện bảo tàng. Trong tháng 12, người dân quanh vùng gồm người lớn và trẻ em và rủ nhau đến đây để chiêm ngưỡng các tác phẩm của Bernard, xem các hiện vật. Sau khi xảy ra vụ trộm, khách đến thăm bảo tàng cảm thấy rất bức xúc. Sinh viên Kelly Lambert nói: “Quả là một sự điên rồ. Tại sao lại có người muốn lấy đi một bàn tay giả của Abraham Lincoln?”.

Giám đốc bảo tàng cho biết, kể từ khi xảy ra vụ việc, những tác phẩm nhỏ của ông Barnard đã được cất khỏi giá trưng bày vì lo ngại chúng cũng biến mất. Còn ông James Cornelius - người phụ trách Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Abraham Lincoln ở Springfield nói rằng vụ trộm như thế này không phải là chưa có tiền lệ. Trong vài chục năm gần đây, các bản thảo, sách liên quan đến cựu Tổng thống Lincoln đã bị đánh cắp. Đặc biệt hơn, trong những năm 70 của thế kỷ 19, một băng nhóm tội phạm đã cố  đào trộm thi thể của ông trong phần mộ ở Springfield nhưng bất thành.

Đối với vụ án bức tượng bị mất tay, nhiều người ở Kankakee nghĩ rằng kẻ trộm sống tại thành phố này và vụ trộm chỉ là nhất thời chứ không được lên kế hoạch kỹ từ trước.