Kỳ lạ: Người phụ nữ có ngón tay “đổi màu” liên tục theo thời tiết, cảm xúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mắc hội chứng lạ, một phụ nữ ở Phú Thọ có bàn tay với các ngón tay có thể chuyển sang màu nhợt nhạt, trắng, xanh lam, đỏ… tùy theo từng thời điểm.
Người mắc hội chứng Raynaud có ngón tay chuyển mày xanh tím hoặc trắng, hồng...
Người mắc hội chứng Raynaud có ngón tay chuyển mày xanh tím hoặc trắng, hồng...

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp của viện này mới tiếp nhận bệnh nhân T.T.N (38 tuổi) đến viện trong tình trạng đau nhức các khớp toàn thân.

Đặc biệt, các khớp bàn, ngón tay của chị sưng đau nhiều, tím, loét, hoại tử đầu ngón tay. Bệnh nhân chia sẻ, khi trời chuyển lạnh, tình trạng đau nhức càng tăng. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng Raynaud biến chứng nhiễm trùng trên nền xơ cứng bì toàn thể, viêm da cơ.

Hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt của các mạch máu, gây giảm lưu lượng máu đến các ngón tay. Trong một số trường hợp, nó cũng khiến lượng máu đến tai, ngón chân, núm vú, đầu gối hoặc mũi giảm đi.

Theo các bác sĩ da liễu, Hội chứng Raynaud khiến vùng bị ảnh hưởng chuyển sang màu trắng và sau đó là màu xanh, thường kèm theo cảm giác tê hay đau. Khi được tưới máu trở lại, các vùng này chuyển sang màu đỏ và nóng rát. Hiện tượng này thường kéo dài vài phút nhưng cũng có thể kéo dài đến vài giờ.

Các cơn co thắt trong hiện tượng Raynaud thường khởi phát khi tiếp xúc với lạnh, căng thẳng, stress, và giảm khi không còn tiếp xúc. Bệnh thường nặng hơn về mùa đông và giảm nhẹ vào mùa hè. Bệnh nhân thường cảm giác tê bì, có thể đau buốt đầu ngón. Trường hợp Raynaud kéo dài, nặng có thể biến chứng như sẹo rỗ, loét, hoại tử đầu ngón, gây nhiễm trùng hoặc cần phải cắt cụt.

Về điều trị, bệnh nhân cần tránh lạnh, hạn chế dùng nước và ra ngoài vào mùa lạnh; sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, tất chân, mặc ấm.

Ngoài ra, vào mùa nóng, bệnh nhân tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bệnh nhân mắc hội chứng này cũng cần tránh các cảm xúc mạnh kể cả vui hay buồn.

Tình trạng nặng hơn, bệnh nhân cần được đánh giá để sử dụng các loại thuốc phù hợp.