Kỳ II: Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây

(ANTĐ) - Quảng Tây có lẽ là địa phương lưu nhiều dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất ở Trung Quốc. Từ Long Châu, Nam Ninh tới Liễu Châu, Quế Lâm... đều là những nơi Người đã từng đi qua.

Quảng Tây du ký

Kỳ II: Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây

(ANTĐ) - Quảng Tây có lẽ là địa phương lưu nhiều dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất ở Trung Quốc. Từ Long Châu, Nam Ninh tới Liễu Châu, Quế Lâm... đều là những nơi Người đã từng đi qua.

Trong đó, Long Châu và Liễu Châu là hai địa chỉ hiện đang lưu giữ được nhiều hiện vật rất có giá trị về những năm tháng Bác Hồ hoạt động cách mạng tại đây.

>>>Kỳ 1: Những bức bích họa có một không hai

Nhà trưng bày Hồ Chí Minh ở số 74-76 phố Nam, huyện Long Châu
Nhà trưng bày Hồ Chí Minh ở số 74-76 phố Nam, huyện Long Châu

Ngôi nhà Bác Hồ bên dòng Tả Giang

Nằm giữa khu phố cổ cũ kỹ ở huyện lỵ Long Châu, dựa lưng vào dòng Tả Giang, ngôi nhà số 74-76 phố Nam giờ là nhà trưng bày tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Trung Quốc. Từ 70 năm trước, nơi đây là cơ sở quan trọng tại hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hơn 40 cán bộ cách mạng chủ chốt của Đảng đã tham gia hoạt động tại đây trong hàng chục năm. Lúc ấy, tại huyện lỵ Long Châu, có ba địa điểm hoạt động bí mật của Đảng. Trong đó, nhà số 74-76 phố Nam là cơ sở bí mật, mượn tiếng buôn bán để hoạt động cách mạng và cùng là nơi tổ chức lớp học, đào tạo cán bộ chủ chốt cho Đảng.

Ngôi nhà gồm 2 tầng nổi, một tầng hầm trưng bày rất nhiều kỷ vật, tư liệu quý về Hồ Chí Minh. Theo người dân địa phương, ngôi nhà cổ này được xây dựng từ cuối đời Thanh. Xoay quanh chủ đề Hồ Chí Minh với Trung Quốc, nhà trưng bày dẫn dắt người xem theo biên niên sự kiện từ khi Bác Hồ còn hoạt động tại Pháp cho tới những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bí thư Huyện ủy Long Châu Vi Xương Hồng cho biết, vì Bác Hồ chủ yếu sống trong dân nên từ khi Nhà trưng bày mở cửa, rất nhiều người dân đã hiến tặng nhiều hiện vật, tư liệu quý về giai đoạn Người hoạt động ở Long Châu nói riêng và Quảng Tây nói chung. Trên diện tích hơn 1.360m2 sàn, có trưng bày gần 3.000 bức ảnh, hiện vật.

 Hiện nay, một số còn đang trong quá trình khảo cứu, phục dựng nên chưa công bố. Từ những đồ vật dùng hàng ngày cách đây hơn 70 năm như cái cối xay, máy khâu, dao kéo, giường tủ, bàn ghế, gạt tàn... đến những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Người mới được các nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc thể hiện lại cũng được trưng bày tại đây. Trên tầng hai, căn giữa với bộ bàn ghế dài là nơi họp, thảo luận cũng là nơi các học viên ngồi học. Hai bên là phòng ngủ của Bác và các đồng chí khác. Những căn phòng nơi Bác Hồ và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong... từng ở thật giản dị. Chỉ có một tủ gỗ nhỏ và chiếc giường cá nhân trên diện tích không quá 6 m2...

Ông Hoàng Chí Quang - Giám đốc nhà trưng bày cho biết, 80% các đồ dùng, kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây đã được lưu giữ y như lúc Người còn ở đây. Duy chỉ có mái ngói đã phải phục dựng lại vì nhiều chỗ đã mục nát qua năm tháng. Ông Hoàng Chí Quang tâm sự, việc bảo tồn các hiện vật gặp không ít khó khăn bởi chất liệu giấy, gỗ, đồng... chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết.

Cũng theo ông Quang, nhà trưng bày đã được mở cửa vào ngày 19-5-2006. Hơn một năm mở cửa, đã có hơn 30.000 khách trong nước và quốc tế tới tham quan nhà trưng bày. Trong đó, có khoảng 5.000 khách người Việt Nam. Trần Tuyết, hướng dẫn viên của nhà trưng bày cho rằng, con số này đủ nói lên sức hút của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Trần Tuyết cũng xác nhận, người dân địa phương rất yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khách sạn Nam Dương, Liễu Châu
Bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khách sạn Nam Dương, Liễu Châu

Quán trọ xưa ở Tây Phong Lĩnh

Cách huyện lỵ Long Châu gần 500 km, giữa Kinh đô đá Liễu Châu, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm sát bên hòn tiểu sơn Ngư Phong. Đây chính là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng trong bài thơ Mới ra tù học leo núi của Hồ Chí Minh. Mặt trước tòa nhà quay ra phố lớn đông đúc, cổng sau nằm trong khuôn viên yên tĩnh của trường tiểu học Ngư Phong. Hai bên lối vào có trồng hai cây si cổ thụ.

Vào những năm 40 của thế kỷ 20, tòa nhà này thuộc về khách sạn tư nhân Nam Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú tại khách sạn này gần một năm (từ khoảng cuối năm 1943 đến cuối năm 1944). Cùng lúc Bác Hồ ở Liễu Châu, còn có nhiều cán bộ khác của Đảng cũng tham gia lớp huấn luyện tại đây. Phần lớn những cán bộ này thường trú ở khách sạn Lạc Quần, rất gần khách sạn Nam Dương.

Nhìn sơ qua cũng thấy quy mô nhà lưu niệm ở Liễu Châu khiêm tốn hơn so với Nhà trưng bày Hồ Chí Minh ở Long Châu. Tổng diện tích hai tầng nhà chỉ khoảng trên 300m2 với vài trăm hiện vật, tư liệu quý. Tuy vậy, không khí thân thuộc, gần gũi, ấm cúng mà nhà lưu niệm đem lại cho khách tham quan lại không hề thua kém.

Tầng một tòa nhà là các tư liệu chung về cuộc đời của Người, gác hai mới là những hiện vật, tư liệu về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Liễu Châu. Tại đây, còn lưu giữ khá tốt căn phòng nơi Bác ở. Vẫn còn đó cái giường mộc mạc, bộ bàn ghế nhỏ, cái điện thoại, đồng hồ, chậu rửa mặt... Đứng trong gian phòng nhỏ chỉ vài mét vuông, được ngăn ước lệ với gian ngoài bằng tấm liếp mỏng, khách tham quan có thể hình dung Bác hàng đêm cặm cụi bên bàn viết, tìm đường, vạch lối cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nước nhà...

Ông Ôn Kỳ Châu - Giám đốc nhà lưu niệm cho biết, năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng theo ông Ôn Kỳ Châu, đây là địa chỉ mà những người Việt Nam tới Liễu Châu thường tới đầu tiên. Không chỉ có thế, cũng giống với nhà trưng bày Hồ Chí Minh ở Long Châu, du khách quốc tế và người dân địa phương, đặc biệt là thanh thiếu niên tới tham quan hàng ngày khá đông.

 Giải thích về điều này, Bí thư Huyện ủy Long Châu Vi Xương Hồng cho biết, người dân Trung Quốc chăm tới thăm nhà trưng bày tham quan bởi họ rất yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ tới đây để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, người dân, nhất là giới trẻ còn mong muốn tìm hiểu sâu về cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam. Ông Vi Xương Hồng nói: “Họ mong học được nhiều từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trưởng thành hơn trong cuộc sống. Đó dần dần trở nên thói quen hết sức bình dị đối với mỗi người dân Long Châu”.

Chính Trung

Kỳ III: Xem “đá mọc tóc” ở Thạch Đô Liễu Châu