Kỳ II: Quá nhiều xe máy, ít bằng lái xe

(ANTĐ) - Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có lượng xe máy chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông. Trong đó hơn 10% người điều khiển không có giấy phép lái xe.

Tai nạn giao thông: Thảm họa tồi tệ

Kỳ II: Quá nhiều xe máy, ít bằng lái xe

>>> Kỳ I: Số người chết ngang chiến tranh

(ANTĐ) - Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có lượng xe máy chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông. Trong đó hơn 10% người điều khiển không có giấy phép lái xe.

Nhằm thu hút sự chú ý của người dân đối với vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức các cuộc thi viết tiểu luận và khẩu hiệu vận động an toàn giao thông. Tuy nhiên, vấn đề an toàn giao thông ít được chú ý trong các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Hà Nội vẫn trông chờ vào các tổ chức viện trợ chi tiền để thực hiện các biện pháp giao thông nghiêm ngặt hơn.

Các vụ tai nạn xe máy được coi là mối lo ngại lớn nhất. Năm 2005: 85,7% số nạn nhân được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội liên quan tới các vụ tai nạn xe máy. Năm 2000, số lượng xe máy ở Việt Nam là 6,5 triệu chiếc. Từ đó đến nay, nhiều nhà máy lắp ráp ôtô đã mọc lên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều xe máy giá rẻ được nhập từ Trung Quốc. Kết quả là đến năm 2002, số xe máy đã lên tới hơn 10 triệu chiếc.

Tại Việt Nam, ít có sự lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng nên nhiều người phụ thuộc vào xe máy. Số xe bốn bánh vẫn dưới con số 1 triệu chiếc. Hiện Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có lượng xe máy chiếm tới hơn 90% tổng số phương tiện giao thông.

Hiếm khi nhìn thấy người đi xe máy đội mũ bảo hiểm ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, hai nơi được coi là tràn ngập xe máy. Theo ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong số những người đi xe máy bị tai nạn giao thông, chỉ có 1,4% đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

Năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã ra quy định yêu cầu những người đi xe máy đội mũ bảo hiểm khi đi đường xa. Năm 2003, Chính phủ cũng yêu cầu công chức Nhà nước và sinh viên đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Tuy nhiên, mỗi lần Chính phủ thảo luận việc đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc, người dân thường thể hiện sự phản đối mạnh mẽ. Kết quả là, Chính phủ vẫn chưa thông qua được quy định yêu cầu người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, số vụ chấn thương sọ não chiếm khoảng 77% số người chết vì tai nạn giao thông năm 2006.

Việt Nam còn được biết tới bởi ý thức của người đi xe máy rất kém. Họ thường xuyên đi ra ngoài lòng đường, đi men theo vỉa hè chật hẹp giữa những xe máy đỗ, người đi bộ và các quán ăn uống. Theo số liệu của Bộ Giao thông, chỉ một nửa số người đi xe máy bật đèn “xi nhan” khi rẽ, trong khi 70% nói rằng họ không dùng phanh khi lượn qua những đoạn đường cong. Ngoài ra, nhiều người đi xe máy không có bằng lái xe.

TNGT mỗi năm cướp đi hàng nghìn sinh mạng ở Viêt Nam
TNGT mỗi năm cướp đi hàng nghìn sinh mạng ở Viêt Nam

Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó ban Thư ký của ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tỷ lệ người đi xe không có bằng lái chiếm khoảng 10%, giảm đáng kể so với tỷ lệ 50% cách đây vài năm. Tuy nhiên, một số tổ chức viện trợ ước tính rằng tỷ lệ trên thực tế vào khoảng 20-30%. Trong khi đó, có tin đồn rằng mọi người có thể lấy bằng lái xe một cách dễ dàng bằng cách đưa tiền cho một quan chức của trung tâm cấp bằng lái.

Một vấn đề nguy hiểm nữa là thiếu cơ sở hạ tầng. Việt Nam không có đường dành riêng cho ôtô hoặc chỗ qua đường cho người đi bộ. Nhà chức trách không có dụng cụ để phát hiện lái xe vượt quá tốc độ hoặc lái xe say rượu. Họ không có ôtô tốc độ cao để đuổi bắt lái xe chạy quá tốc độ quy định.

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, từng giới thiệu những biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam từ năm 2001, đã bắt đầu thực hiện các dự án đào tạo Cảnh sát giao thông hồi năm ngoái.

Chuyên gia giao thông của Nhật Bản Michimasa Takagi, hiện là giảng viên của chương trình trên, cho rằng: “Nhận thức của người dân không bắt kịp với sự phát triển kinh tế nhanh chóng hoặc sự xuất hiện của một xã hội, trong đó xe máy và ôtô được sử dụng rộng rãi. Việt Nam cần đồng thời tăng cường nỗ lực đào tạo con người, những người làm luật và phát triển cơ sở hạ tầng”.

Naoji Shibata