Chuyện kỳ lạ về một cựu tù Côn Đảo
Kỳ II: Lòng quả cảm hiếm có
(ANTĐ) - Sau Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 địch dốc toàn lực để giành lại những gì đã bị mất về tay cách mạng. Tình hình ngày càng gay gắt ác liệt hơn. Một số địa bàn cơ sở của ta bị xóa trắng, cán bộ bị đánh bật ra khỏi dân, phải tạm lui về hậu phương lớn, hoặc dạt về phía Tây - trên biên giới Việt Lào... Giữa lúc đó bác sĩ Hoàng Thao - Trưởng Ban Dân y Quảng Đà gọi bác sĩ Phan Sung hỏi:
>>> Kỳ I: Dùng máu gà để chữa bệnh
- Bây giờ Thành ủy cử anh đi xuống vùng sâu công tác anh có đi được không?
- Ở đó có những ai? - Bác sĩ Phan Sung hỏi.
- Có bộ đội và du kích - bác sĩ Hoàng Thao trả lời.
- Anh em bộ đội và du kích bám trụ được thì tôi cũng bám trụ được chứ?
Một cuộc chuyển quân vô cùng gian khổ. Đi qua những vùng bị địch chiếm đóng bác sĩ Phan Sung - Đội trưởng Đội phẫu tiền phương mang bí danh X13 - cùng với các đồng đội của mình phải cải trang làm phụ nữ mặc quần xa tanh đen, áo sơ mi hoa, hoặc áo dài, lách cách với những thúng mủng, rổ rá... đậy kín như thể người dân quê mang hàng ra chợ bán, hoặc đi chợ về.
Thực chất bên trong là thuốc men và các dụng cụ y tế. Đội phẫu tiền phương X13 của Ban Dân y đặc khu Quảng Đà đóng tại Hòa Hải, cách chỗ đóng quân của Mỹ chưa đầy một cây số. Phải tự làm nhà, tự đào hầm bí mật để cất giấu thương bệnh binh, nơi khám và điều trị, phòng mổ, phòng hậu phẫu... Cái nghề thợ mộc mà Phan Sung học lỏm được từ thời giảm quân bị - tám vạn lính Vệ quốc chuyển ngành đi xây dựng kinh tế - Phan Sung được phiên về làm y tá cho Tiểu đoàn thợ xây dựng các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá.
Giờ đây tay nghề thợ mộc này dùng để đóng những khung sườn gỗ chống đỡ cho những căn hầm bí mật dưới lòng đất. Phải tận dụng tối đa nguyên vật liệu tại chỗ. Cả tay nghề “thợ sắt” cũng được bác sĩ Phan Sung vận dụng để cắt những ống pháo sáng của địch, gò thành những chiếc nồi chưng nước cất... Gọi là Trạm phẫu Dân y nhưng đối tượng phục vụ chủ yếu là bộ đội và du kích.
Vừa bắt tay xây dựng trạm phẫu là có thương binh ngay, vì ngày nào cũng có đụng độ, ngày nào cũng thương vong. Khi học Đại học Y Hà Nội Phan Sung học chuyên khoa Da liễu, nhưng trước lúc vào chiến trường anh được tập trung bồi dưỡng Ngoại khoa; Và giờ đây ngày nào cũng cấp cứu mổ xẻ. Đầu năm 1969 Thiếu úy Chính trị viên phó Tiểu đoàn Pháo binh Nguyễn Văn Thà - người Thanh Hóa - đi thám sát trận địa bị một phát đạn M79, toàn thân đầy thương tích. Nặng nhất là ba vết thương ở đầu, bụng và bắp đùi.
Mổ cấp cứu bụng và đùi xong để nằm theo dõi trong hầm hậu phẫu. Đến ngày thứ ba anh thương binh nầy ôm đầu kêu rên vật vã... Phía trên nắp hầm quân Mỹ đang mở trận càn quét. Không thể chần chừ được nữa, phải mổ sọ não ngay. Bác sĩ Phan Sung dùng con dao cán nhựa dài chừng ba mươi centimét đem mài mòn cho hai bên mũi dao sắc và van vát đều nhau, rồi tiến hành ca phẫu thuật với một ít thuốc gây tê. Không máy khoan, không cưa dây, không thuốc gây mê... Bác sĩ Phan Sung thò ngón tay của mình vào hộp sọ lần tìm mảnh đạn M79. Anh thương binh đã bớt kêu rên. Mấy hôm sau các vết thương lành dần. Sức khỏe dần hồi phục sau mấy tháng nằm điều trị tại chỗ.
Con dao bác sĩ Phan Sung phẫu thuật cho thương binh Nguyễn Văn Thà |
Ngày 13-5-1970 bác sĩ Phan Sung bị thương và bị địch bắt, đến ngày 17-5-1971 bị đưa ra nhà tù Côn Đảo. Trong một năm bị giam cầm và thẩm vấn trên đất liền kẻ địch đã chuyển người thầy thuốc này đi khắp các trại tù từ Trung vào Nam, cuối cùng lại trở về miền Trung để ra Tòa án Quân sự mặt trận vùng I chiến thuật tại Đà Nẵng.
Cũng chừng ấy thời gian có một thiếu tá Mỹ luôn đeo bám thuyết phục bác sĩ Phan Sung chiêu hồi. Mặc cho Phan Sung khước từ, phản đối, viên thiếu tá Mỹ rành tiếng Việt này vẫn không nản chí. Trước lúc ra tòa một hôm bác sĩ Phan Sung lại thấy viên thiếu tá xuất hiện, cũng với một thái độ lịch sự hòa nhã:
- Ông suy nghĩ lại vẫn còn kịp bác sĩ ạ. Chỉ cần ông đồng ý về với chúng tôi, ông không cần viết vào hồ sơ, không cần nói nên lời, để tránh cho ông sự khó xử, ông chỉ một cái gật đầu là đủ. Là thầy thuốc ở chiến tuyến nào thì nhiệm vụ của ông cũng là chữa bệnh, cứu người. Về với quốc gia, nếu muốn chúng tôi sẽ gửi ông đi Mỹ tu nghiệp...
Ngồi yên lặng một lát viên sĩ quan Mỹ gặng hỏi:
- Ông tin chắc rằng với những vũ khí thô sơ mà Việt cộng sẽ thắng người Mỹ chúng tôi trong cuộc chiến này sao?
Bác sĩ Phan Sung đáp:
- Tôi thừa nhận vũ khí đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, nhưng có một điều quan trọng hơn, đó là con người cầm loại vũ khí đó khi xung trận. Trong đội ngũ chúng tôi hầu hết đều tình nguyện ra trận, có người phải viết đơn bằng máu trích ra từ tĩnh mạch của mình, có người phải giấu đá gạch trong túi áo, túi quần khi lên bàn cân để đạt tiêu chuẩn ra trận.
Tôi được biết thanh niên Mỹ thường trốn quân dịch và tham gia các phong trào phản chiến về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Tôi còn được biết những người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đều học câu tiếng Việt thuộc làu là: “Xin các ông tha tội chết cho tôi, tôi sẽ đền ơn!”. Còn quân giải phóng chúng tôi được học những câu tiếng Mỹ thông dụng để dùng khi gặp quân Mỹ như:
- Đầu hàng thì sống, chống đối thì chết!...
... Vậy đó ông!... - Bác sĩ Phan Sung từ tốn kết thúc câu trả lời của mình.
Viên sĩ quan Mỹ lắc đầu nhìn bác sĩ Phan Sung vẻ ngán ngẩm, rồi với cung giọng trầm ấm và một thái độ hòa nhã, chân thành:
- Ông là con trai trưởng của gia đình. Cha mẹ ông nay chắc chắn đã già yếu, ông phục vụ cho Việt cộng mấy chục năm nay đủ rồi, bây giờ là dịp để ông về với cha mẹ.
Nghe nhắc đến cha già mẹ yếu, bác sĩ Phan Sung cảm thấy lồng ngực mình nhói đau. Trước khi sinh ra Phan Sung, đã có hai người chị, nhưng cả hai đều lần lượt chết. Cha mẹ đã phải đi cầu xin khắp các đền chùa để sinh ra được người con thứ ba này lại là con trai, cha mẹ mừng khôn xiết! Cái tên Phan Sung là mới đặt về sau này chứ tên cha mẹ khai sinh cho lúc bấy giờ là Phan Văn Mua. Đứa con này có mặt trên đời là do cha mẹ đi “xin”, đi “mua”. Quê nội ở Hà Trung - Phú Vang, quê ngoại ở Vinh Hiền - Phú Lộc.
Nghe mẹ kể rằng khi sinh con trai được vài tháng tuổi, nhân dịp Triều đình Huế tổ chức lễ tế Nam Giao, mẹ ôm đứa con trai nhỏ xíu ngồi trong đò, cha chèo đò từ Vinh Hiền lên Huế, đến đàn Nam Giao. Lựa khi voi lễ đang nghĩ ngơi, mới xin nhờ ông Nài voi bồng đứa con trai nhỏ xíu vô cùng yêu quý của mình lòn qua lòn lại dưới bụng voi ba lần, lại cũng nhờ ông Nài bồng con mình bỏ vào miệng voi cho voi ngậm lại nhả ra ba lần...
Nhờ thế mới nuôi sống được đứa con cầu tự này lớn lên. Năm 1948, 16 tuổi Phan Văn Mua bỏ học tham gia cách mạng, học lớp cứu thương ở chiến khu Dương Hòa. 17 tuổi đi lính Vệ quốc. Cha mẹ thương con đứt ruột nhưng phải để cho con lên đường. Mấy chục năm qua rồi, chắc chắn cha đã già, mẹ đã yếu như viên sĩ quan Mỹ nói, nhưng... bác sĩ Phan Sung bất chợt thốt lên:
- Nhưng cha mẹ tôi chắc chắn sẽ rất thất vọng, đau buồn nếu thấy tôi trở về trong tư thế một kẻ đầu hàng!
Viên thiếu tá Mỹ sững sờ. Ông ta bước ra ngoài, một lát sau trở lại với một gói bọc giấy to đưa vào tay bác sĩ Phan Sung và nói:
- Chắc chắn ông sẽ bị đày ra Côn Đảo. Chế độ tù đày ở đó tôi e rằng với sức khỏe của ông sẽ không cho ông tồn tại được mấy tháng... Có vài thứ này ông giữ lấy mà dùng.
Bác sĩ Phan Sung mở gói bọc giấy ra: khăn mặt, bàn chải và kem đánh răng, xà phòng tắm...
Bác sĩ Phan Sung nói lời cám ơn rồi trở về khu biệt giam.
Tòa án Quân sự mặt trận vùng I chiến thuật mở phiên xét xử bị cáo Phan Sung can tội phản nghịch quốc gia với mức án tám năm tù cấm cố và lưu đày biệt xứ! Có một nữ luật sư của tòa án bào chữa cho bị cáo nói đặc giọng Huế. Lời bào chữa của nữ luật sư này nội dung giống hệt những lời mà bác sĩ Phan Sung đã đối đáp trong quá trình thẩm vấn.
Khi tuyên án xong, tòa cho bị cáo nói lời cuối cùng, bác sĩ Phan Sung dõng dạc hỏi:
- Lời tôi sắp nói ra sau đây, liệu có bị các ông đánh đòn như những lần thẩm vấn không?
- Không! - Chủ tọa phiên tòa trả lời.
Bác sĩ Phan Sung cất giọng rất cao và rất đanh:
- Tôi làm thầy thuốc cứu chữa những người bị thương do bom đạn của các ông gây nên thì bị các ông kết tội phản nghịch quốc gia, còn các ông rước giặc vào nước mình với bom đạn của chúng trút xuống đầu đồng bào mình thì các ông có công chăng?!
Bác sĩ Phan Sung vừa dứt lời thì một cú đá của một viên cảnh sát đứng gần đó chực áp giải ông lên xe tù.
H.K.L