Kỳ 2: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

(ANTĐ) - 35  năm trôi qua, giờ đây nhìn lại sự kiện trên có người cho rằng chúng ta đã bị bất ngờ về chiến lược trong chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy. Câu trả lời xin dành cho lịch sử, lịch sử bao giờ cũng trung thực.

Hà Nội tháng chạp 1972:

Kỳ 2: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

(ANTĐ) - 35  năm trôi qua, giờ đây nhìn lại sự kiện trên có người cho rằng chúng ta đã bị bất ngờ về chiến lược trong chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy. Câu trả lời xin dành cho lịch sử, lịch sử bao giờ cũng trung thực.

>>> Kỳ 1: Lấy thịt đè người

Nhưng cũng xin nói rằng năm 1962. Hai năm trước khi, những cái đầu nóng trong giới lãnh đạo nước Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với việc gây nên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” (5-8-1964), Bác Hồ đã cảnh báo thảm họa B52 với đồng chí Tư lệnh Phòng không – Không quân. Thượng tướng Phùng Thế Tài – Nguyên Tư lệnh Phòng không – Không quân kể:

- Hồi đó trong một lần làm việc với tôi, Bác hỏi: “Chú đã biết gì về B52 chưa? Trong khi tôi chưa biết trả lời ra sao thì Bác lại nói: “Nói thế thôi chứ, chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số, mà trong tay chú hiện nay chỉ có pháo cao xạ thôi…”.

Năm năm sau, ngày 18-9-1967, khi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ lan ra miền Bắc đang thời kỳ cao điểm, Bác lại nhắc ông: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Như vậy để bước vào cuộc đọ sức 12 ngày đêm trên không, Bác Hồ, nhà chiến lược thiên tài đã dành cho các chiến sĩ Phòng không bảo vệ Hà Nội hơn 5 năm suy nghĩ, chuẩn bị. Từ việc trang bị vũ khí, khí tài, cho đến trang bị kiến thức khoa học, kinh nghiệm kỹ chiến thuật chiến đấu.

Cũng cần phải nhắc lại rằng sau lần nhắc nhở năm 1967 của Bác, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng phương án đánh B52. Trong thời điểm tháng 10 và 11-1967, lực lượng phòng không Hà Nội có 3 sư đoàn pháo cao xạ, từ 4 đến 7 trung đoàn tên lửa (167 bệ phóng).

Hệ thống phòng thủ này có đủ khả năng đánh tan kẻ địch khi chúng định tấn công Hà Nội từ bất cứ hướng nào, với quy mô ra sao. Tháng 1-1969 Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắt tay vào việc biên soạn tài liệu “Dự thảo cách đánh máy bay B52”. ở các đơn vị rađa cũng tiến hành nhiều đợt huấn luyện hướng dẫn cách phát hiện B52 dưới các dạng nhiễu.

B52 là một trong bộ ba vũ khí chiến lược mà Mỹ vẫn coi như một thứ bảo bối dùng răn đe đối phương, gồm: Tên lửa hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử và siêu pháo đài bay B52. Mỗi máy bay B52 trang bị 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực bằng sợi chỉ kim loại.

Một máy bay B52 chở khoảng 27 tấn bom. Thời điểm ấy nước Mỹ có chừng 450 chiếc B52. Trước đó trong nhiều lần đánh phá Vĩnh Linh, Mỹ đã dùng tới loại máy bay này. Để có tài liệu và kinh nghiệm thực tiễn đánh B52, giữa năm 1966 theo chỉ lệnh của trên nhiều đơn vị tên lửa, rađa với khí tài cồng kềnh phức tạp đã vượt qua hàng trăm cây số vào tận Vĩnh Linh nhận diện “siêu pháo đài bay Mỹ”. 

Dấu tích chiến tranh
Dấu tích chiến tranh

Chỉ nói riêng việc di chuyển các khí tài trong đội hình hàng chục cây số qua chặng đường dài, các trọng điểm máy bay địch đánh phá ngày đêm đã là một kỳ tích. Với tinh thần quyết chiến và tình yêu Thủ đô Hà Nội lại được nhân dân các địa phương giúp đỡ chở che, các chiến sĩ ta đã tới đích kịp thời gian triển khai chiến đấu.

Lúc đầu nhiều trận đánh nổ ra không đạt hiệu quả; địch huy động lực lượng lớn máy bay các loại dội bom hủy diệt các trận địa, chúng ta phải chịu tổn thất lớn, nhưng tinh thần bộ đội ta không nao núng. Đến 17h05 ngày 17-9-1967, tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đặt trận địa trên đồi 74 Vĩnh Linh đã bắn rơi một B52. Đây là chiếc B52 đầu tiên tên lửa ta bắn cháy nhờ sự xử lý thông minh của kíp trắc thủ Thính, Ngận, Ngoạn.

Trong những ngày chiến đấu ác liệt trên đất Vĩnh Linh đó, Quân chủng đã cử một số cán bộ, trợ lý khoa học quân sự, tác chiến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Vũ Xuân Vinh  xuống các trận địa tên lửa, không quản vất vả hiểm nguy, thu thập tài liệu biên soạn cuốn sách phổ biến kinh nghiệm phát hiện và đánh máy bay B52 Mỹ.

Cuốn sách chỉ dừng lại ở tài liệu hướng dẫn, song giá trị của nó vượt xa rất nhiều những gì có thể coi là vốn liếng hiểu biết đánh B52 của chúng ta lúc đó. Gần trăm trang sách song là công sức của bao ngày đêm các anh thi gan với bom đạn địch. Từng dòng chữ, từng trang sách đã thấm đẫm mồ hôi và máu các anh.

Nó đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng 12 ngày đêm 1972 trên bầu trời Hà Nội. Hôm nay, mai sau nó vẫn là một tài liệu quý giá cho các chiến sĩ Phòng không của chúng ta.

Chiến đấu với B52, nếu như các trắc thủ tên lửa coi là một cuộc đấu trí thì đối với các trắc thủ rađa, nhận rõ mục tiêu trong nhiễu cũng là một bài toán cực kỳ hóc búa. Việc phát hiện sớm B52 Mỹ là một chiến công lớn của các trắc thủ rađa; trong đó phải nhắc tới Nghiêm Đình Tích.

Anh cho biết: Để phát hiện địch và bảo vệ Hà Nội từ xa, cấp trên đã “cắm” đơn vị anh vào tận Nghệ An. Đài rađa U35 do Tích làm đài trưởng đặt trên một ngọn đồi không cao lắm thuộc huyện Đô Lương. Mỗi ngày nơi này có hàng trăm lần máy bay các loại của địch “làm cỏ”.

Để “qua mặt” được những bộ óc điện tử dò tìm tối tân mà địch vẫn khoe khoang tự hào “siêu nhạy”, “mắt thần” là một điều không giản đơn. Các anh đã phải ngụy trang, đánh lừa địch bằng đủ các thủ pháp nghề nghiệp nhà binh. Mục đích quan trọng nhất là giấu ém lực lượng, khí tài, mật phục.

Từ đây, hàng ngày những người lính trắc thủ rađa đã “làm quen” với đường bay của những tốp B52 cất cánh từ Guam đi ném bom các vùng đất của Lào. Những chuyến đi gây tội ác của chúng đã để lại trong các anh nhiều day dứt.

19h15 ngày 18-12-1972, sau 3 phút được lệnh mở máy, Tích và hai trắc thủ Cầu và Xích đã thu được tín hiệu nhiễu khác thường. Không phải chờ đợi lâu, ngay sau đó cả tốp B52 đã nằm gọn trong cánh sóng rađa của các anh. Trên màn hiện sóng những giải nhiễu B52 đã hiện rõ dù chúng dùng các phương tiện kỹ thuật phá, song các anh vẫn “bắt” được.

Nhưng khác mọi ngày, đường bay của chúng hôm nay có sự thay đổi. Qua phương vị X, tốp B52 cứ bám dọc theo đất Lào đi ngược lên phía Bắc Việt Nam. Đi đâu, nếu không phải là định lẻn vào ném bom Hà Nội? Tìm con đường đi ấy, bọn chúng muốn lẩn trốn những “mắt thần” của ta. Quỷ quyệt lắm, song, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

90 chiếc máy bay chiến lược B52 bay theo đội hình hàng dọc, kéo dài suốt trên 80 dặm, mà Rober Woll, một Đại úy phi công có mặt trong tốp bay đó gọi một cách ngạo mạn là “thế đi của đàn voi”.

Để tránh sự tấn công của đối phương, chúng bố trí hàng trăm máy bay chiến thuật dọn đường, bảo vệ vòng trong vòng ngoài, tầng trên tầng dưới. Máy bay EB66 gây nhiễu cường độ mạnh, “con ma” rải nhiễu kim loại hòng bịt mắt rađa của ta, F105, F111 đánh phá các trận địa phòng không và các trạm rađa để mở đường cho B52 tiến vào mục tiêu an toàn.

Mối lo ngại của không quân chiến lược Mỹ lúc này chỉ còn là những chiếc máy bay MIG của không quân Việt Nam, và chúng dự tính tất cả các sân bay trên miền Bắc đều đã bị băm nát bởi hàng trăm phi xuất máy bay chiến thuật những ngày trước đó.

Với một kế hoạch đã được soạn thảo tỉ mỉ, và “vỏ bọc” chắc chắn cho lũ B52, Lầu Năm góc bảo đảm như đinh đóng cột với phi công B52 rằng: “Các bạn bay vào Hà Nội chỉ như một cuộc dạo chơi đêm Phương Đông”, rằng “ở độ cao trên 10.000 mét, đối phương không thể nào với tới, các bạn chỉ cầm bấm nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ!”.

(Còn nữa)

Bút ký: Lê Văn Vọng