Ma túy phá nát gia đình:

Kỳ 2: Tương lai mịt mờ

(ANTĐ) - Chỉ vì muốn có tiền ăn chơi, khoác trên mình những bộ “cánh” đẹp, Nguyễn Thanh Tuyền, sinh viên năm thứ 3 Khoa Ngữ văn trường Đại học Ngoại ngữ đã đánh mất mình sau những vết trượt dài khi “dính” vào con đường ma túy.

- Những phạm nhân nữ trong công việc thường ngày tại trại giam - Phạm nhân Nguyễn Thanh Tuyền
hy vọng về tương lai của mình sau khi chấp hành án

Tương lai mờ mịt, những tháng ngày thụ án trong trại giam, nhớ lại quá trình phạm tội của mình Tuyền không khỏi bật khóc…

Cựu sinh viên đi buôn ma túy

Dưới cơn mưa rào mùa hạ, cô gái trẻ đất chè Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1983, trú tại xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) nói chuyện khá cởi mở. Mặc dù biết chuyện mười mươi của Tuyền nhưng tôi vẫn hỏi: “Em vào đây do phạm tội gì?”. Tuyền trả lời, vì ma túy anh ạ. Không hiểu vì sao ngày đấy em lại có thể liều lĩnh như thế cơ chứ? Câu chuyện Tuyền tham gia một đường dây ma túy lớn tất cả cũng chỉ vì một chữ… tiền.

Năm 2001, khi Tuyền đỗ vào Khoa Ngữ văn - trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và xuống ở cùng người dì ruột là Trương Thị Chung (SN 1972, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Những năm đầu đại học, số tiền hàng tháng do gia đình chu cấp không đủ cho cách ăn tiêu của Tuyền. Để có tiền, Tuyền đã tham gia vào đường dây mua, bán trái phép chất ma túy do dì ruột của mình cầm đầu. Tuyền nhanh chóng trở thành một trợ thủ đắc lực trong đường dây này. Những phi vụ giao dịch ma túy tầm cỡ từ Lạng Sơn đến Sơn La, Hòa Bình… Tuyền được bà dì Trương Thị Chung chỉ đạo trực tiếp đứng ra nhận “hàng”, giao tiền. Tất nhiên, phần trăm hay tiền thưởng Tuyền nhận được không phải là nhỏ.

Tối 31-8-2004, tổ công tác thuộc Đội 2 - Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) phát hiện và bắt quả tang Phạm Thúy Hồng (SN 1972, trú tại số 36, phố Hòa Bình, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đang vận chuyển 5 bánh heroin. Tại cơ quan điều tra, Hồng khai, sáng cùng ngày, Hồng nhận tiền của Đặng Minh Châu (trú tại 118 đường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) rồi xuống Hà Nội giao cho Chung 5 bánh heroin để đối tượng này mang về cho Châu. Nguyễn Thanh Tuyền là người đứng ra trực tiếp giao dịch với Hồng. Việc mua bán thế nào thì Hồng không biết mà chỉ tham gia là người vận chuyển được Châu trả tiền công 1 triệu đồng/bánh. Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan CSĐT đã làm rõ 9 đối tượng khác liên quan và đã triệt phá được đường dây mua, bán trái phép chất ma túy liên tỉnh với số lượng lớn này.

Mong mỏi ngày về
Tại phiên tòa diễn ra trong 3 ngày từ 18 đến 20-1-2006, do TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, Nguyễn Thanh Tuyền thừa nhận là người được Chung giao nhiệm vụ nhận tiền của nhiều đối tượng trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Đồng thời, Tuyền cũng cùng Chung nhận mua hàng của nhiều đối tượng khác ở các tỉnh như Lạng Sơn, Hòa Bình… Lần cuối trước khi bị bắt, Tuyền đã được Chung sai xuống sân nhà D8 tập thể Thành Công lấy “hàng” là 11 bánh heroin. Hành vi trên của Tuyền đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với vai trò đồng phạm.

Nghĩ lại những việc mình làm, Tuyền không khỏi buồn rầu kể: “Em thật là dại dột anh ạ, nghĩ lại những gì mình làm chỉ vì đồng tiền và sự cả tin người dì ruột của mình. Em tiếc quá!”. Thế rồi bất chợt giọng Tuyền nghẹn lại. Tôi hỏi, em tiếc gì? Tuyền trả lời: “Tương lai chẳng biết sẽ đi về đâu? Anh biết không, nhớ ngày nhỏ ở quê, nhóm bạn bọn em tất cả có 6 đứa chơi thân với nhau. Chúng nó đều thành đạt và có gia đình hạnh phúc, giờ thì chỉ có mình em rơi vào cảnh tù tội. Mỗi lần bố mẹ lên thăm, mẹ kể đứa nọ, đứa kia gửi quà và hỏi thăm, em chỉ biết khóc và im lặng chứ chẳng nói gì. Với mức án chung thân, chẳng biết khi nào em mới có ngày về” - Tuyền xót xa thân phận của mình.

Thượng tá Nguyễn Thị Can - Phó Giám thị Trại giam số 5 kể: “Trong số những phạm nhân đang thụ hình án tại đây thì số phạm tội về ma túy chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 81%), đại đa số là phạm nhân án dài. Do vậy cán bộ quản giáo phải nắm bắt tâm tư tình cảm của phạm nhân. Đặc biệt là những phạm nhân nữ, chỉ vì vi phạm pháp luật nên mới phải giam giữ cải tạo ở đây, nhưng về tình người, quyền sống của họ còn nên khi phạm nhân với mức án chung thân vào đây mình phải quan tâm động viên họ phải tích cực, có ý chí quyết tâm chấp hành quy định của trại, lao động cải tạo tốt để mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Vì theo luật mới, các phạm nhân án chung thân phải chấp hành hình phạt đủ từ 12 năm mà cải tạo tốt, không vi phạm nội quy của trại, của ngành thì mới được xem xét giảm án. Vì thế cần phải có những cách thức tiếp cận cảm hóa họ để các phạm nhân hiểu được và chấp hành cải tạo tốt mong có ngày về, tái hòa nhập cộng đồng…”.

Có lẽ chính vì được sự quan tâm của Ban Giám thị trại giam và trực tiếp những của những cán bộ quản giáo khiến cho những phạm nhân có án dài thêm lòng tự tin và quyết tâm cải tạo tốt, mong sớm được trở về với gia đình. Phạm nhân Nguyễn Thanh Tuyền nói: “Hồi mới vào, nghĩ đến ngày về thật là xa xôi, thế nhưng được sự quan tâm, động viên của Ban Giám thị, cán bộ quản giáo ở đây động viên khiến cho em tự tin hơn. Đặc biệt, mỗi lần được gia đình lên thăm và động viên em càng tha thiết được sống và mong sớm được trở về”.