Kỳ 2: Trận đánh quả cảm giữa Sài Gòn

(ANTĐ) - Một bên là hàng trăm tên giặc với vũ khí hiện đại, cùng xe tăng, máy bay yểm trợ - một bên là 12 chiến sỹ của Phân đội An ninh vũ trang T4 chỉ chiến đấu với AK, B40 đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa Sài Gòn trong những ngày Tết Mậu Thân - bên quyết lùng bắt, bên quyết bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương 2.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968:

Kỳ 2: Trận đánh quả cảm giữa Sài Gòn

(ANTĐ) - Một bên là hàng trăm tên giặc với vũ khí hiện đại, cùng xe tăng, máy bay yểm trợ - một bên là 12 chiến sỹ của Phân đội An ninh vũ trang T4 chỉ chiến đấu với AK, B40 đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa Sài Gòn trong những ngày Tết Mậu Thân - bên quyết lùng bắt, bên quyết bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương 2.

>>>1: Những ngày xuân rực lửa

Nhận nhiệm vụ

Phân đội An ninh vũ trang T4 đã có nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trung ương cục miền Nam đã thành lập Đảng ủy khu trọng điểm gồm 2 Bộ chỉ huy: Bộ chỉ huy Tiền phương Bắc (Tiền phương 1) do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh lãnh đạo, phụ trách mũi tiến công phía Bắc; Bộ chỉ huy Tiền phương Nam (Tiền phương 2) do đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng lãnh đạo, phụ trách các mũi phía Tây, Nam và các lực lượng nội thành.

Đơn vị bộ đội đặc biệt tinh nhuệ nhận cờ trước giờ nổ súng đánh vào Sài Gòn
Đơn vị bộ đội đặc biệt tinh nhuệ nhận cờ trước giờ nổ súng đánh vào Sài Gòn

Để bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo trong quá trình xâm nhập vào nội thành, Phân đội An ninh vũ trang T4 được phân công bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương 2. Đội gồm 12 người gồm các chiến sỹ: Nguyễn Hoàng Ân, Ngô Văn Bạch, Nguyễn Văn Chụp, Bùi Văn Đức, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Văn Lợi, Lê Văn Ngọc, Nguyễn Văn Oanh, Lê Văn Tăng, Bùi Văn Tâm, Lê Văn Thìn và Phan Minh Trung, bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và Ban Thường vụ Thành ủy, bí mật tiến vào nội thành để đặt Sở chỉ huy tại Trường đua Phú Thọ, trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng tiến công trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định.

Bí mật -  khôn khéo vượt mắt địch

Đêm 27 tháng Chạp, toàn phân đội tập trung và làm lễ tuyên thệ tại huyện Bình Chánh rồi xuất quân. Các chiến sỹ đều một tinh thần, ý chí quyết tâm.

Nội thành Sài Gòn dày đặc đồn bốt của địch. Chúng liên tục tuần tra, canh gác cẩn mật trên các tuyến đường. Toàn phân đội T4 đã bí mật luồn lách, đưa cán bộ lãnh đạo về địa điểm an toàn là Trường đua Phú Thọ. Tại đây, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định và Bộ Tư lệnh Tiền phương 2 đã thành lập Sở chỉ huy để chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Nhưng đến khoảng 2h chiều 30 tháng Chạp, tin cấp báo về Sở chỉ huy: Địch đã phát hiện ra cơ quan đầu não của ta và đang chuẩn bị một cuộc vây bắt lớn. Ngay lập tức, đồng chí Võ Văn Kiệt được bảo vệ, di chuyển sang khu vực Cầu Tre. Phân đội An ninh vũ trang T4 nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu cản chân địch, bảo vệ an toàn cho cuộc di chuyển của lãnh đạo.

Cuộc chiến không cân sức

Chỉ trong chốc lát, một tiểu đoàn biệt động và cảnh sát dã chiến ngụy ập đến Trường đua Phú Thọ. Chúng dàn hàng ngang, bao vây bên ngoài và xông vào những nơi nghi ngờ. Từ phía trong, tiếng súng AK của Phân đội An ninh vũ trang T4 vang lên. Những tên địch đi đầu ngã xuống. Tiếng chỉ huy của chúng la ó, thúc giục xông lên.

Lửa Tổng tiến công rực sáng thành phố Sài Gòn
Lửa Tổng tiến công rực sáng thành phố Sài Gòn

Hàng chục đợt tiến công của địch diễn ra nhưng không phá được trận tuyến của 12 chiến sỹ. Giặc điên cuồng điều động một chiếc xe tăng từ đường Trần Quốc Toản bò vào, theo sau là bộ binh. Chờ xe tăng lọt vào tầm ngắm, một chiến sỹ của Phân đội T4 nâng B40, bình tĩnh siết cò. Tiếng nổ dữ dội vang lên, chiếc xe tăng cháy ngùn ngụt, giặc tán loạn bỏ chạy…

Trong lúc này, tại nhiều khu vực của Sài Gòn, cuộc chiến đang diễn ra rất quyết liệt. Quân giải phóng tiến đánh và uy hiếp cơ quan đầu não của địch. Tòa Đại sứ Mỹ, nơi giặc đã từng tự hào không lọt qua dù chỉ một con kiến cũng đã bị ta tấn công.

Phán đoán Bộ Tư lệnh Tiền phương 2 của ta vẫn đang kẹt lại Trường đua Phú Thọ, địch tập trung lực lượng vây bắt cho được các đồng chí lãnh đạo. Hàng chục xe tăng cùng một tiểu đoàn địch được điều động thêm. Dưới mặt đất xe tăng quần đảo, trên trời máy bay gầm rú, chúng xả súng bắn vào nơi ẩn nấp của các chiến sỹ. Cuộc chiến cam go không cân sức diễn ra suốt từ chiều 30 cho đến mùng 4 Tết Mậu Thân.

Các chiến sỹ trong đội an ninh vũ trang di chuyển liên tục từ nhà này sang nhà khác, kiên cường chống trả với lực lượng địch đông gấp bội. Suốt mấy ngày đêm đối đầu với một lực lượng hùng hậu của địch gồm lính biệt động, cảnh sát dã chiến có sự chi viện tối đa xe tăng, thiết giáp, trực thăng, các chiến sĩ an ninh đã tiêu diệt trên 120 tên địch, bắn cháy 17 xe trong đó có 5 xe tăng.

Chiều mùng 4 Tết, chiến sỹ Nguyễn Minh Hoàng xung phong nhận nhiệm vụ ghìm chân địch ở góc đường Lê Đại Hành - Tân Phước để đồng đội tìm đường thoát vòng vây. Anh đã hy sinh sau 30 phút kiên cường chiến đấu. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, các chiến sỹ trong đội đã di chuyển sang khu vực nghĩa địa Phú Thọ và tiếp tục chiến đấu đến ngày mùng 7 Tết.

9 chiến sỹ nữa đã lần lượt ngã xuống, chỉ còn lại hai người là Phan Minh Trung và Lê Văn Tăng tiếp tục chiến đấu và kiệt sức sa vào tay giặc. Không bắt được các đồng chí lãnh đạo trong Sở chỉ huy, giặc điên cuồng tra tấn Phan Minh Trung và Lê Văn Tăng hòng moi được tin về địa điểm trú ẩn mới của Sở chỉ huy. Giữ vững khí tiết, hai chiến sỹ đã quyết không khai báo và bị giặc tra tấn đến chết.

Ngay sau khi lui về tuyến sau an toàn, trong đợt tấn công lần thứ hai của chiến dịch Mậu Thân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thay mặt Khu ủy và Bộ Tư lệnh Tiền phương tuyên dương công trạng và phát động toàn thể cán bộ chiến sỹ học tập tinh thần chiến đấu dũng cảm, anh hùng của 12 chiến sĩ của Phân đội An ninh vũ trang T4.

Trận chiến đấu của 12 chiến sỹ an ninh vũ trang đã được ghi trong những trang vàng lịch sử của một mùa Xuân 1968 Anh hùng. Phân đội An ninh vũ trang T4 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Chiến công oanh liệt của các anh trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù mãi mãi là một mốc son chói đỏ cho lực lượng công an.

(Còn nữa)

Minh Khôi