Kỳ 2: “Địa đạo” trong nhà

(ANTĐ) - Cho dù nhiều người chưa từng đặt chân đến, nhưng ít ra, khi nói đến vùng đất này người ta đã mang máng trong đầu những cảnh tượng chống trả quyết liệt với lực lượng gìn giữ an ninh biên giới để rồi họ vượt đường mòn núi đá, gùi mang những chuyến hàng lậu, hàng cấm từ bên kia biên giới về Việt Nam và ngược lại.

“Nóng bỏng” hàng lậu vùng biên:

Kỳ 2: “Địa đạo” trong nhà

(ANTĐ) - Cho dù nhiều người chưa từng đặt chân đến, nhưng ít ra, khi nói đến vùng đất này người ta đã mang máng trong đầu những cảnh tượng chống trả quyết liệt với lực lượng gìn giữ an ninh biên giới để rồi họ vượt đường mòn núi đá, gùi mang những chuyến hàng lậu, hàng cấm từ bên kia biên giới về Việt Nam và ngược lại.

>>> Kỳ 1: Rau xanh ồ ạt tràn vào

Những lối mòn đặc kín cửu vạn chờ gùi hàng lậu
Những lối mòn đặc kín cửu vạn chờ gùi hàng lậu

Lối mòn không yên tĩnh

Từ thành phố Lạng Sơn, tôi đi xe “cóc” hiệu Suzuki ngược lên Đồng Đăng. ở đây, phương tiện để đi lại rất đa dạng. Nhưng xe “cóc” là phương tiện rất thông dụng vừa để chở khách và cũng dùng để chở hàng lậu. Chiếc xe chở tôi vượt qua trạm liên ngành Dốc Quýt chưa được bao xa thì bắt đầu xuất hiện sự khác lạ về giao thông, hay nói đúng hơn là sự hỗn loạn về giao thông.

Từng đoàn ôtô, xe máy nối đuôi nhau lao bạt mạng.  Những chiếc xe “chuyên dụng” như  Minks, Suzuki “cóc” chất hàng cao ngất lao trên quốc lộ rồi… biến mất hút. Quốc lộ 4A từ quãng vượt qua Dốc Quýt cho đến khu vực Đồng Đăng ngày đêm như một cung đường đua tốc độ của những chuyến hàng lậu từ biên giới băng về nội địa Việt Nam.

Tôi chọn chủ nhà trên đỉnh dốc, cách thị trấn Đồng Đăng không xa. Nhà ông (đề nghị được giấu tên) nằm cách trụ sở của Đội Liên ngành chống hàng lậu - Chi cục Quản lý thị trường, tỉnh Lạng Sơn mấy số nhà, khoảng cách hắng giọng cũng có thể nghe thấy.

Ông thân tình và dễ tính. Ông không ngần ngại nói về chuyện buôn lậu nơi đây. Ngôi nhà được thiết kế theo dạng nhà ống, cửa chính thông ra đường và cửa hậu thông lên lối mòn trên núi. Nhìn phía trước, đó là ngôi nhà bình yên, cửa luôn khép hờ mỗi khi ra vào. Ông dẫn tôi đến cổng hậu rồi mở toang cánh cửa gỗ. Tôi theo ông bước ra phía sau khu vườn bạch đàn.

Một cảnh tượng thật lạ lùng, chỉ có thể có ở những vùng biên giới này, với hàng trăm lối mòn nhẵn thín chĩa về các cửa hậu của những nhà kế bên. Đi thêm quãng nữa gặp hàng trăm người mang vác hàng lậu ùn ùn từ trên núi xuống lối mòn rồi chui tọt vào nhà theo các cửa hậu. Ông dặn tôi: “Anh đi bình thường theo tôi thì được. Không mang theo bất cứ vật dụng máy móc gì trên người, đừng để ý gì đến họ”.

Đoạn bằng phẳng trên đỉnh núi là nơi “đắc địa” đối với dân buôn lậu. Hàng được tập kết ở đây cao như núi. Tôi tiếc rằng không thể làm gì hơn để ghi lại cận cảnh những hình ảnh “hoành tráng” này. Mặc cho sự xuất hiện của tôi với người dẫn đường, đoàn cửu vạn vẫn miệt mài mang vác hàng lậu đông như… trẩy hội. Những đoàn người dằng dặc từ trên núi lố nhố, vội vàng đi như chạy mang trên lưng những đống hàng lặc lè xuống núi.

Hầu hết những gia đình ở khu vực này đều có “thế nhà” giống nhau. Theo ông chủ, họ làm nhà như vậy để khi hàng vác xuống thuận tiện cho việc đóng vào xe máy lao thẳng ra quốc lộ để vận chuyển đến nơi tập kết lớn hơn rồi bốc lên ôtô. Chính vì vậy nên trong mỗi nhà đều là đường cho xe qua, và nhà ông cũng không nằm ngoại lệ.

Hàng lậu được “xe ôm” chuyển về nơi tập kết
Hàng lậu được “xe ôm” chuyển về nơi tập kết

“Chim lợn” trên khắp ngả đường buôn lậu

Tôi hướng tới con đường mòn cách đó khoảng 500m thuộc địa phận xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Con đường mòn có tên gốc nhãn, gốc bưởi được ken đặc người đang mang vác hàng lậu. Theo người dân địa phương, hiện nay địa danh Hang Dơi đã bị quên lãng.

Đứng dưới Quốc lộ 4A, ngước nhìn lên đường mòn gốc nhãn, gốc bưởi từng đoàn vài trăm người đang “đều bước”. Hàng được mang vác đủ loại. Chờ sẵn bên quốc lộ là hàng trăm chiếc xe máy nổ máy phành phành sẵn sàng “đua tốc độ” mang hàng đến điểm tập kết ở một nơi thuận tiện khác.

Thị trấn Đồng Đăng được xem là yết hầu của con đường chuyển hàng lậu từ biên giới về Lạng Sơn và các tỉnh nên suốt đêm ngày không ngớt tiếng xe Minsk gầm rú, lao với tốc độ khủng khiếp chở hàng về nơi tập kết thuộc đường 279 đi Bắc Sơn để chuyển về Thái Nguyên hoặc theo đường bộ về cầu Khánh Khê qua Song Giáp vào thành phố Lạng Sơn.

Tuyến đường mòn nóng bỏng bước chân người vác hàng, tuyến quốc lộ nóng ran vì tiếng ôtô, xe máy chở hàng lậu gầm rú. Hệ thống máy điện đàm của đám “chim lợn” luôn được bật cảnh giới người lạ liên tiếp được báo tới, báo lui. Mọi hoạt động, ánh mắt của bất cứ người lạ mặt nào cũng không thể lọt qua sự cảnh giới của đám “chim lợn”. Mỗi đoạn đường, gốc cây đều có con mắt không thể nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn được của đám “lính đánh thuê” cho giới buôn lậu.

Theo người dân cho biết, đám “chim lợn” được hưởng mức lương khá cao. Giá “bèo” nhất cũng trên 2 triệu đồng/tháng. Cách thức và “hành tung” của giới buôn lậu không có gì mới, không có gì tinh vi, song tại sao nó cứ diễn ra thì thật khó lý giải?! Tôi ngồi quán nước đối diện cổng trụ sở Đội Liên ngành chống hàng lậu chưa đầy 15 phút đã đếm được 51 xe Minks chở những kiện hàng cao ngất ngưởng chạy qua một cách… vô tư.

Từ cổng hậu ngôi nhà tôi ở nhờ lên đến  đỉnh núi giáp biên giới mất khoảng 10 phút đi bộ. Đoạn đường không dài nhưng có đến 10 người cầm bộ đàm “cảnh giới” hoặc ngồi đợi người qua lại để thu tiền. Mỗi người đi qua nương, bãi đều phải trả phí 2.000 đồng cho chủ nhân. Bằng cách làm ăn như vậy, mỗi chủ nương bãi thu về hàng ngày từ 1 đến 2 triệu đồng.

Sau nhiều ngày theo lối mòn gốc nhãn, gốc bưởi “ngắm” hàng lậu ồ ạt băng qua biên giới đổ về Việt Nam, tôi phát hiện được những thùng hàng được đánh dấu đặc biệt, cách đóng gói đặc biệt kia chứa những gì trong đó. Cùng với cuộc đổ bộ của hàng lậu, còn có hàng “nóng” trộn vào đồ chơi.

Đức Tuấn - Minh Quân

Kỳ sau: Hàng “nóng” đổ bộ