Kỳ 2: “Bộ luật” làm người

(ANTĐ) - Chính sự biết xấu hổ chiếm lĩnh trong nếp nghĩ của người Dao ở bản Đằng Long là luật tối thượng. Chính lòng tự trọng và đã thúc anh “kỹ sư cầu đường” kiêm Trưởng bản Triệu Văn Tiến, học chưa hết vỡ lòng, đã táo bạo tính toán đo đạc làm một con đường vượt núi dài đến 7 cây số.

Một tập tục đáng quý:

Kỳ 2: “Bộ luật” làm người

(ANTĐ) - Chính sự biết xấu hổ chiếm lĩnh trong nếp nghĩ của người Dao ở bản Đằng Long là luật tối thượng. Chính lòng tự trọng và đã thúc anh “kỹ sư cầu đường” kiêm Trưởng bản Triệu Văn Tiến, học chưa hết vỡ lòng, đã táo bạo tính toán đo đạc làm một con đường vượt núi dài đến 7 cây số.

>>>Kỳ 1: Nơi con người còn biết xấu hổ

Anh Tiến trao đổi với ông Châu trong buổi học đêm của bản

Anh Tiến trao đổi với ông Châu trong buổi học đêm của bản

Huyết mạch cuộc sống

Giờ đi từ bản Đằng Long đến Thung Chừa đã có đường ô tô. Từ đây, đi xuyên sang chợ cá Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội chỉ mất có chục cây số, gần hơn đường cũ gấp 70 lần. Đó là kỳ tích. Con đường mới mở phải vượt ngọn núi cao chênh vênh, người Đằng Long gọi là “cổng trời”. Năm 2009, anh Triệu Văn Tiến được tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Đằng Long.

Phía sau “cổng trời” là Thung Chừa màu mỡ, ai cũng biết rất rõ, nhưng lạ là năm được mùa vẫn… đói. Sau bao mùa vất vả như thế, mỗi lần đi qua “cổng trời” anh Tiến lại đo, lại ngắm… Rồi đùng một cái, anh hẹn bản họp bàn. Một quyết định táo bạo đã được Trưởng bản Triệu Văn Tiến đưa ra để bà con cùng tìm hướng thoát. Những  ý kiến trái chiều, ngại khó được đưa ra, song sự đồng thuận với ý tưởng của “kỹ sư Tiến” chiếm số đông nên anh hào hứng. “Tôi đã nói với bà con thì tôi phải làm bằng được, khó mấy cũng phải làm, không thì mặt mũi nào mà dám nhìn bà con nữa…”, anh Tiến quả quyết.

Mang kế hoạch trình lên lãnh đạo huyện Kim Bôi xin ý kiến thì huyện bác ngay, sức đâu mà làm, tiền núi cũng không làm được. Không xin được kinh phí, lại còn bị cán bộ mắng té tát, anh Tiến cụt hứng. Giờ thì cả bản đã cùng một ý chí, mình nói lại sao đây, không làm được thì xấu hổ, mà cố làm thì…

Mặc, “kỹ sư” Tiến mở đầu bằng việc xả độ cao của taluy núi “cổng trời”. Núi đá dải đất Kim Bôi thách thức cả máy móc hiện đại, nói gì đến những đôi bàn tay xương thịt. Thuổng, xà beng thục xuống nảy lửa, cả ngày hàng trăm con người trong bản chỉ moi được đất thịt, đá đành bó tay ngồi nhìn...

Một cuộc họp khẩn lại diễn ra ở sân nhà ông trưởng bản. Bà con than vãn “khó lắm ông Tiến ơi, phồng cả tay hết rồi, làm ăn gì nữa”. “Thôi! Mai kia bà con tạm hoãn đã, để tôi “khảo sát” lại” - anh Tiến quyết định. Sau buổi đó, anh Tiến vác thuổng đi thăm dò địa chất. Nơi nào đất thịt, có thể làm được trước, anh thục thuổng đánh mốc. Nơi nào có đá cứng anh tạm gác lại. Ít ngày khảo sát địa chất, anh Tiến đã tính toán được chỗ nào phải dùng máy, chỗ nào làm được bằng tay chân.

Một “công trường” sôi động với tiếng cuốc xẻng, cười nói… vang xa theo triền núi. Hàng trăm con người phải gác lại công việc gia đình để bắt tay vào “con đường chiến lược” cho sự thoát nghèo của bản. Những giọt mồ hôi đổ xuống, những đoạn đường dần uốn lượn theo triền núi. Việc mở đường ngày một khó, đá núi như thử sức người, mỗi đoạn đường đất gần xong thì cái khó hiện ra càng rõ. Con đường không thể thông nếu như đá núi sừng sững chắn trước mặt. Phải có máy. Máy móc cùng sức người mới làm được. Anh Tiến nghĩ thế và bà con cũng vậy.

Cách “xoay” tiền của anh trưởng bản

Đường về bản, con đường huyết mạch cuộc sống
Đường về bản, con đường huyết mạch cuộc sống

Vay mượn được 30 triệu đồng, anh Tiến phóng ra phố huyện mua một máy khoan hơi về để phá đá. Làm thế nào có được máy ủi, máy xúc đây? Cái khó, ló cái… liều. Anh Tiến họp bàn với bà con quyên góp tiền để thuê máy móc. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi nhà bỏ ra đến chục triệu đồng, ngần ấy tiền đối với bà con vùng núi Đằng Long là tài sản khổng lồ, sao có được? Nhưng cuối cùng, anh Tiến vẫn quyết định trong cuộc họp. Mỗi hộ đóng góp bấy nhiêu tiền, người có ít nương ở gần đóng ít, nhiều nương ở xa đóng nhiều.

Một bài toán tưởng khó đối với nhà nông, nhưng “kỹ sư” Tiến lại giải… dễ dàng. “Bà con hãy cố gắng vay mượn đi, có đường sẽ trả nợ được và cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Nếu rừng đến tuổi, gần đường bán trước, vụ sau sẽ bán giá cao hơn khi đường chạy qua…”. Anh Tiến bày cách. Sự đồng thuận về ý chí, song nhiều người còn lăn tăn về tiền bạc vì khó xoay quá. Rồi thì 1 nhà đóng, rồi 2 nhà đóng… cuối cùng cũng huy động được đến 400 triệu đồng từ 46 hộ gia đình để thuê máy bạt núi, san ủi mở đường… Để rồi con đường huyết mạch ấy đã hiện ra mang đến lối thoát cho dân nghèo.

Ông Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, Bùi Văn Lương bảo: “Bà con ở bản này thuần lắm. Người ta rất có trước, có sau. Họ rất sợ mang tiếng với bản, nên không bao giờ làm điều xấu. Ông Tiến sợ mất sĩ diện với bà con, ông ấy quyết tâm làm, thế mà cả bản được nhờ đấy! Tôi đã đi thăm con đường ấy rồi, nể lắm”. Anh Tiến làm vì bản thân mình cũng có, vì bà con cũng nhiều. Ai mà chả có ruộng nương, vườn rừng ở phía núi cao và mây mù ấy.

Trước đây dân cờ bạc ở khu vực ga Nam Định thường đem cả trăm bộ bài “thửa” đi phát khắp hàng nước, quán tạp hóa, các điểm xung quanh khu vực mà họ chuẩn bị sẵn trước khi tổ chức “đỏ đen”, giúp phần thắng luôn thuộc về bên rải bài. Nay cách này đã quá cũ, việc áp dụng công nghệ cờ bạc bịp trong các sới bạc ngày càng tinh vi.

Đón đọc ngày mai: Bạc bịp công nghệ cao

Chỉ có con đường mới đổi thay cuộc sống. Chuyện của anh Tiến thông đường ngoài sức tưởng tượng của lãnh đạo tỉnh. Hôm đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về làm việc tại xã Bắc Sơn, ông đến “thị sát” con đường “cồng trời” của bản Đằng Long.  Ông bực và giận lãnh đạo huyện Kim Bôi. Công sức của bà con mang lại lợi ích như thế mà không hề báo cáo để tỉnh biểu dương. Nghe chuyện tưởng anh Tiến tự hào, nhưng anh bảo: “Tôi làm đường cho con, cho cháu mang ngô về bản, chứ khen hay chê tôi đâu cần”.

Người Dao của bản Đằng Long là vậy, giản dị, thật thà và lòng tự trọng được đặt lên trên hết. Họ sợ hứa hão. Họ sợ bị xấu hổ và họ biết xấu hổ đối với những điều không nên không phải, họ sợ bị phạt vạ khi mắc sai lầm hay có lỗi với bản. Chính vì thế, xấu hổ được xem như một “hương ước” có sức mạnh vô hình mà bao đời nay, những con người ở bản nhỏ trên rẻo cao này lấy đó làm lẽ sống.

Nhã Linh