Kỳ 1: “Sưa tặc” lại lộng hành

(ANTĐ) - Nạn “sưa tặc” trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố đã rất mạnh tay với loại tội phạm này nhưng “sưa tặc” vẫn lén lút hoạt động, thậm chí còn tìm cách “lách luật” để công khai chặt phá

Phức tạp tội phạm xâm hại cây gỗ sưa:

Kỳ 1: “Sưa tặc” lại lộng hành

(ANTĐ) - Nạn “sưa tặc” trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố đã rất mạnh tay với loại tội phạm này nhưng “sưa tặc” vẫn lén lút hoạt động, thậm chí còn tìm cách “lách luật” để công khai chặt phá

Những bí ẩn giá tiền tỷ

Gỗ sưa được bán với giá gần 11 tỷ đồng/m3
Gỗ sưa được bán với giá gần 11 tỷ đồng/m3

Gỗ sưa còn có các tên gọi khác như là Trắc thối, Huỳnh đàn, Huê mộc vàng hay Hoàng hoa lê… được xếp vào loại gỗ quý hiếm, mọc chủ yếu ở vùng đảo Hải Nam, Trung Quốc và một số tỉnh thành ở nước ta. Trong đó, loại gỗ sưa có tên Hoàng hoa lê được người Trung Quốc cho là một loại gỗ cực kỳ quý hiếm.

Lần đầu tiên cách đây khoảng 3-4 năm, “cơn sốt” gỗ sưa đã bùng phát tại Việt Nam. Gỗ sưa được đầu nậu gỗ thu mua từ quả, cành cho đến tận gốc, rễ theo cân chứ không phải là m3 thông thường. Không những thế, giá của mỗi cân gỗ sưa này không ngừng tăng lên chóng mặt, từ vài trăm nghìn đồng/kg, đến hàng chục triệu đồng.

Có nhiều người cho rằng, nguyên nhân gỗ sưa có giá cao như vậy là do công dụng của nó; mùn của gỗ sưa pha với nước uống có tác dụng hạ huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu. Ngoài ra, vì lõi gỗ sưa rất cứng, hoa văn lại đẹp nên loại gỗ này được dùng chế tác các đồ thờ cúng và đồ dùng trong nhà như bàn ghế, tủ quần áo, thậm chí là bát đĩa...  với giá bán rất đắt.

Còn có nhiều lời đồn thổi rằng, các đại gia Trung Quốc mua gỗ sưa về để ướp xác; rồi “xã hội đen” Hồng Kông mua về nghiền thành bột trộn với ma túy để bán... Những thông tin này đã làm cho dư luận thêm nghi hoặc và đẩy cơn sốt giá gỗ sưa ngày một tăng cao. Tại thời điểm hiện nay, 1m3 gỗ sưa đang có giá xấp xỉ 11 tỷ đồng.

Và cũng cho đến thời điểm này, các nhà khoa học chúng ta vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp về công dụng đích thực của loại gỗ quý hiếm này ngoài việc đóng các loại đồ gia dụng.

Hám tiền, bất chấp pháp luật

Trong 2 năm trở lại đây, bên cạnh thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn loại gỗ sưa quý hiếm này, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng “sưa tặc”; trong đó có vụ xử lý hình sự 35 “sưa tặc” ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Nhưng vì giá trị từ loại gỗ này quá hấp dẫn, bất chấp các quy định của pháp luật, một số “sưa tặc” vẫn lén lút hoạt động nhằm mục đích “sát hại” bằng được cây gỗ sưa để mang bán kiếm lời. Trường hợp Bùi Văn Hải, SN 1984, HKTT tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - một cựu sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp và đồng bọn là một ví dụ.

Thời gian học tại trường Đại học Lâm nghiệp, trong một số giờ thực hành, Hải biết tại khu rừng trồng của nhà trường có nhiều cây gỗ sưa đỏ quý hiếm. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tháng 3-2011, Hải đã cùng 2 đồng bọn quê ở Ninh Bình mang theo các dụng cụ như cưa, thuổng, bao tải… lên đường trở về trường cũ để chặt trộm cây sưa.

Chỉ trong một đêm, Hải và đồng bọn đã chặt hạ, đào bới lấy cả gốc lẫn ngọn của gần chục cây gỗ sưa đỏ gần 20 năm tuổi có đường kính từ 25-35cm. Khi bị CAH Chương Mỹ bắt giữ, Hải và 2 “sưa tặc” đi cùng khai nhận, mặc dù biết là vi phạm pháp luật nhưng do các đầu nậu trả giá quá cao nên cả bọn đã bất chấp.

Không như nhóm tội phạm trẻ tuổi thiếu hiểu biết nói trên, sau nhiều lần bán quả và cành khô bị gãy của 2 cây gỗ sưa tại chùa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội được hàng chục triệu đồng; thấy giá gỗ sưa quá cao, Hội người cao tuổi của thôn Phụ Chính đã cùng nhau lên kế hoạch “xẻ thịt” 2 cây gỗ sưa của ngôi chùa này để bán.

Sau khi nghiên cứu kỹ về lý lịch của 2 cây gỗ sưa nói trên, được sự “giúp sức” của một số cán bộ địa phương, biết số cây này chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa vào diện quản lý… các thành viên trong Hội Người cao tuổi thôn này đã móc nối với các đầu nậu gỗ ở Hải Dương và Bắc Ninh để bán. Sau khi khoan để kiểm tra độ dày của lõi cây, 2 bên thỏa thuận với giá gần 11 tỷ đồng/m3. Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính đã cho người chặt hạ 2 cành lớn của 2 cây gỗ sưa gần 200 năm tuổi nói trên được hơn 2,05m3. Đồng thời, để hợp pháp hóa số gỗ nói trên để bán, Hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính đã “lôi kéo” được Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ về đóng dấu búa. 

N.T.L ở tỉnh Hải Dương - đầu nậu chuyên buôn bán gỗ liên quan trong vụ việc này cho biết; đối tượng và đồng bọn đã mua số gỗ sưa của Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính với giá gần 21 tỷ đồng bán lại cho một người Trung Quốc để kiếm lời. Mặc dù N.T.L không cho biết giá bán đó là bao nhiêu nhưng từ thực tế giá mua của N.T.L và đồng bọn nói trên cho thấy, nếu phi vụ này trót lọt, khoản lợi nhuận từ hơn 2m3 gỗ sưa này cũng là một con số khổng lồ.

(Còn nữa)

Yên Thành