Kỳ bí Lai Châu
Kỳ 1: Chuyện chưa kể trên 12 tầng dốc
(ANTĐ) - Con đường dẫn vào Sì Lở Lầu, Lai Châu gập ghềnh khó đi, chỗ dựng đứng lưng chừng núi, đoạn lại đổ ngược xuống vực sâu. Trên triền núi, những ô ruộng bậc thang xếp thành tầng tầng lớp lớp như lên tới tận chân trời. Tây Bắc thật hoang sơ, có ở đây ta mới thấm hết nỗi khó khăn vất vả của đồng bào dân tộc nơi vùng biên ải xa xôi.
Chợ Dào San - nét đẹp văn hóa của Lai Châu |
Chợ Dào San - nét đẹp văn hóa vùng cao
Sau một đêm nghỉ ngơi để lấy lại sức sau cuộc hành trình dài từ Hà Nội tới thị xã Lai Châu mới tờ mờ sáng, chúng tôi chuẩn bị quần áo ấm, ba lô, máy ảnh và nhiều vật dụng khác lên chiếc U-oát thẳng tiến Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ - đây là xã giáp ranh với Trung Quốc. Con đường chênh vênh trên các sườn núi, có đoạn lại khúc khuỷu đổ dốc xuống hun hút khiến những ai yếu bóng vía phải thót tim. Chốc chốc, bụi đất đá lại tung lên, bay mù mịt do sạt núi...
Theo đồng chí Vũ Quang Mạo - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng Lai Châu cho biết hôm nay cũng là ngày diễn ra phiên chợ Dào San, chợ chỉ mở với ngày “những con có sừng”. Đặc biệt, chợ này chỉ họp vào buổi sáng chủ nhật hàng tuần. Mới tờ mờ sáng, chợ Dào San đã chật cứng người. Gọi là "chợ sừng" là bởi phiên chợ Dào San chỉ họp nhằm ngày con trâu (sửu) và ngày con dê (mùi) trong 12 con giáp theo lịch âm. Vậy là cứ 6 ngày chợ họp một lần, có thể rơi vào ngày thường hoặc ngày nghỉ. Chợ Dào San cũng khá đa dạng và không khác các phiên chợ ở các vùng quê dưới xuôi là mấy. Có một điều đặc biệt, mà các chợ ở dưới xuôi không có là ngoài việc trao đổi mua bán thì chợ Dào San còn là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc như: Mông, Hà Nhì, Ráy, Thái và người Kinh.
Bỏ lại đằng sau hình ảnh chợ phiên Dào San, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên những cung đường cua gắt và nguy hiểm hơn. Chốc chốc, trên đường những em nhỏ người Dao, tuổi chừng 8 đến 12 địu những bó củi to hơn người lao vun vút về phía trước. Từ trên các đỉnh núi nhìn xuống, thửa ruộng bậc thang xếp thành tầng tầng, lớp lớp dài vô tận trông như những bức tranh thủy mặc với nhiều màu sắc khác nhau. Chính vì thế, người Dao đã gọi nơi đây là “Sì Lở Lầu” có nghĩa là 12 tầng dốc.
Bộ đội hướng dẫn bà con dân tộc vùng biên trồng trọt |
Đem chữ Bác Hồ lên vùng cao
Muốn làm quen với các cô giáo trẻ có khó không? Chúng tôi hỏi các chiến sỹ biên phòng. Quá dễ, khi gặp các cô, anh chỉ cần nói: "Cho hai cái phát nương gặp nhau". Cứ theo cách đó, vừa gặp các cô giáo ở trường THCS Sì Lở Lầu, chúng tôi tự tin đòi "Cho hai cái phát nương gặp nhau" - nghĩa là bắt tay nhau. Các cô giáo trẻ người Dao nhìn chúng tôi vẻ rất ngạc nhiên, rồi ôm nhau cười rúc rích. Các anh bị mấy anh biên phòng trêu rồi! Là sao? Chuyện là thế này, một cô kể: "Có chàng trai và thiếu nữ người Dao đi phát nương, hai cái nương ở cạnh nhau, hai người vốn đã thầm yêu, trộm nhớ. Đến một hôm, nhân lúc nghỉ, chàng trai mạnh dạn tỏ tình với cô gái: Này, chúng mình cho hai cái phát nương gặp nhau đi. Sau khi hai cái phát nương đã gặp nhau, chàng trai mạnh dạn lấn tới: Mình lại cho hai cái... ăn cơm gặp nhau đi...và...". Nghe đến đấy tất cả cùng nhau phá lên cười. Thế là chúng tôi và các cô giáo người Dao ở Sì Lở Lầu đã trở thành bạn bè.
Trước đó, chúng tôi đã nghe các chiến sỹ biên phòng kể về các cô giáo cắm bản ở Sì Lở Lầu với thái độ đầy trân trọng và nể phục. Hầu hết các cô giáo ở đây đều ở độ tuổi đôi mươi, nhiều cô gia đình ở dưới xuôi, lên đây ban đầu cũng chỉ là để thử sức trẻ, đi cho biết... nhưng ở miết rồi, nhiều cô không muốn về nữa. Điều níu kéo các cô ở lại và bám bản, bám đất rừng Tây Bắc là tình yêu đối với những đứa trẻ còn rất nhiều thiếu thốn. Cô Lý, giáo viên lớp 3 kể lại: Cứ nhìn các em quần áo phong phanh, đi bộ mấy giờ đường núi mới tới được lớp, mặt mũi tím tái, thương các em quá, nhiều cô đã bật khóc. Mà cũng chỉ học được dăm bữa, các em lại bị gia đình bắt đi kiếm củi, chăn trâu, làm nương... Thế là các cô lại phải lặn lội đến từng nhà, thuyết phục, động viên bố mẹ bọn trẻ cho bọn chúng tiếp tục theo học. Cuộc chiến giằng co giữa đói nghèo, học và thất học gian khổ là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện, những khó khăn thường nhật đó lại khiến các cô giáo nơi đây thêm vững tin và tràn đầy lòng nhiệt huyết “đem chữ Bác Hồ” cho người dân bản nơi biên cương.
Đồng chí Vũ Quang Mạo cho biết thêm: “Ngoài việc dạy con chữ cho trẻ em nơi đây, giáo viên và bộ đội biên phòng còn chung sức xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em... đến khám chữa bệnh, giúp dân làm kinh tế nữa. Để giúp người dân có kỹ thuật căn bản về chăn nuôi và trồng trọt, bộ đội biên phòng đã thành lập tổ công tác phụ trách lĩnh vực này, cử cán bộ, chiến sỹ về dưới xuôi năm lần bảy lượt tìm bằng được giống lúa thích hợp với chất đất Sì Lở Lầu, học cách chăm sóc... đến nay trong xã đã có nhiều hộ một năm trồng được hai vụ lúa nước (trước chỉ trồng 1 vụ lúa trên ruộng bậc thang), năng suất tăng gấp đôi. Cũng nhờ tổ xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ dân biết cách đào ao nuôi cá, chăn thêm lợn, bò, trồng thêm thảo quả, đã có hộ thu được hàng trăm triệu đồng/mỗi năm...
Các cô giáo trẻ, các chiến sỹ biên phòng dưới xuôi lên giúp dân làm kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, dạy cái chữ, giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ dần những hủ tục lạc hậu... ngược lại, những người dân nơi đây cũng giúp họ dựng trường lớp, sửa chữa lại đồn biên phòng, cùng nhau xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Những câu chuyện cảm động về tình nghĩa quân dân ở đây có kể cả ngày cũng không hết...
(Còn nữa)
Nguyễn Trung Hiếu