KTS Nguyễn Trần Bắc: Nhiều trung tâm hành chính gây cảm giác "áp chế", choáng ngợp

ANTD.VN - “Với Trung tâm hành chính ở Đà Nẵng, tôi cho rằng chỉ cần đầu tư thêm 10% kinh phí để trang bị hệ thống kỹ thuật tốt. Có thể sửa được, chứ bây giờ mà di dời thì thảm họa” - đó là ý kiến của KTS Nguyễn Trần Bắc xung quanh số phận của Trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng gây nhiều tranh cãi trong thời gian gầy đây. 

Tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng cao 36 tầng (gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm), đưa vào sử dụng từ năm 2014. Công sở đồ sộ này được đầu tư xây dựng với số vốn trên 2.000 tỷ đồng, tọa lạc ở trung tâm quận Hải Châu.

- PV: Sự việc Trung tâm hành chính của Đà Nẵng tiêu tốn nhiều tiền của nhưng đang đứng trước nguy cơ di dời, khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiện trạng của các công trình hành chính ở Việt Nam. Anh nhận định gì về vấn đề này?

- KTS Nguyễn Trần Bắc: Trước hết cần phải định nghĩa xem công trình hành chính công là gì. Trên thực tế, có thể hiểu đó là các trụ sở UBND, HĐND, Thành ủy, quận ủy… được xây dựng với mục đích để phục vụ các hoạt động hành chính của người dân và chính quyền.

Hiện nay, các tòa nhà hành chính ở Việt Nam đang tồn tại vấn đề lớn. Đó là xây dựng quá đồ sộ, khổng lồ, đầu tư lớn nhưng không sử dụng hết, lãng phí. Các trụ sở quận, huyện… thường được xây dựng trong khu hành chính bạt ngàn. Điều này khiến cho người dân cảm thấy bị “áp chế”, choáng ngợp.  

- Có ý kiến cho rằng, các công trình hành chính Việt Nam thường bị ảnh hưởng nhiều từ lối kiến trúc Pháp cổ? 

- Đó là sự bộc lộ của xu hướng “nệ cổ” hay có thể nói là “giả cổ”. Nhiều công trình của ta xây theo lối Pháp, tức là uy nghi như lâu đài, thành quách trong khi thực tế không phù hợp. Trước đây người Pháp sang Việt Nam, họ xây những trụ sở, cơ quan công quyền bề thế để thể hiện quyền lực, sự trấn áp của họ. Cho đến hiện tại, nhiều công trình Việt Nam vẫn coi đó là một chuẩn mực và đang “học tập” xu thế đó. 

- Vậy xu hướng này còn phù hợp với cuộc sống đương đại không?

- Nó có hai vấn đề. Một, nếu đây là công trình dân dụng, tôi không phản đối. Đó là sở thích và thẩm mỹ của từng người. Nhưng một khi nó đã là cơ quan công quyền, tức là phục vụ người dân thì nó phải gần gũi với người dân. Đã có công trình thiết kế theo tôi là tương đối tốt, ví dụ như trụ sở UBND quận 10 của KTS Nguyễn Văn Tất. Công trình này được thiết kế rất đơn giản, không có gì hoa mỹ. Chỉ với những đường cong mềm mại, chiều cao vừa phải, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với người dân. 

- Quay trở lại câu chuyện về trung tâm hành chính của Đà Nẵng, đã có những ý kiến khen chê xung quanh công trình này. Xét về thẩm mỹ và công năng sử dụng của công trình này, anh đánh giá như thế nào?

- Trong bối cảnh các cơ quan hành chính ở Việt Nam đang xây dựng theo kiểu phân tán thì ý tưởng thiết kế tập trung của Đà Nẵng tôi cho là rất táo bạo. Nó làm cho người dân có thể tiếp cận các cơ quan một cách dễ dàng, khiến cho sự minh bạch trong hành chính công được nâng cao. Tôi cũng vừa đến Đà Nẵng vào tuần trước và tôi thấy rằng rất nhiều người dân, khách du lịch chụp ảnh cùng tòa nhà này. Như vậy công trình này cũng tạo ra một ý nghĩa biểu tượng và điểm nhấn kiến trúc cho Đà Nẵng.

Trụ sở UBND quận 10, TP.HCM với thiết kế đơn giản, tạo cảm giác gần gũi với người dân

- Nhưng số phận tòa nhà này đang bị đặt dấu hỏi do bị cho là “thiếu oxy, nóng bức”, anh nghĩ sao?

- Có một vấn đề mà đơn vị thiết kế có thể chưa tính đến. Đó là với một tòa nhà bọc toàn kính như vậy thì MEP - hệ thống điện, nước và điều hòa phải đảm bảo công suất cho nó hoạt động. Nếu không thì khi bước vào công trình sẽ rất bức bối.

Vấn đề ở đây, tôi cho rằng không phải là kính, vì rất nhiều công trình lớn trên thế giới, kể cả được xây dựng ở những nơi thời tiết nóng bức vẫn có thể sử dụng chất liệu này. Chẳng hạn như tòa nhà Al Bahar Towers ở Abu Dhabi là công trình tôi rất thích. Nó được thiết kế toàn kính nhưng có một lớp vỏ, có thể mở ra, khép vào khiến cho công trình có khả năng tán nhiệt rất tốt. 

- Vậy có hướng nào để khắc phục hạn chế của Trung tâm hành chính ở Đà Nẵng không, thưa anh?

- Tôi nghĩ nếu di dời sẽ là “thảm họa”. Thay vì thế, ta chỉ cần đầu tư thêm 10% kinh phí xây dựng để trang bị một hệ thống kỹ thuật thật tốt, đủ công suất chịu tải của tòa nhà. Với các công trình hành chính công ở Việt Nam, tôi cho rằng một thiết kế tỉ lệ vừa phải, đơn giản nhưng đảm bảo tiêu chí chắn ánh sáng, không quá nóng, gần gũi với người dân theo tôi là hợp lý. 

LTS: Thông tin được đưa ra trong kỳ họp HĐND Đà Nẵng, Trung tâm hành chính mới xây dựng với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng đang tồn tại những bất cập như quá nóng, không khí chưa sạch… Đà Nẵng đang nghiên cứu và dự tính xây dựng khu hành chính mới để thay thế trung tâm hành chính hiện tại.

Mặc dù, việc di dời hay không sẽ phải được lấy ý kiến rộng rãi người dân thành phố bên sông Hàn nhưng vẫn dấy lên nhiều tranh luận xung quanh kiến trúc của một công trình được nhận định thiếu thân thiện với môi trường và bất cập ngay từ khi đưa vào sử dụng.