Kinh tế toàn cầu bấp bênh khi xung đột gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa hồi phục vững chắc sau đại dịch Covid-19, tình hình bất ổn trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, kinh tế toàn cầu lại nhận thêm cú giáng rất mạnh từ xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại khu vực được xem là “rốn dầu” của thế giới.

Thế giới đối mặt với cú sốc năng lượng “kép”

Lên tiếng trước hơn 6.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhiều quốc gia cùng các giám đốc ngân hàng toàn cầu tại Hội nghị thường niên “Sáng kiến đầu tư tương lai” diễn ra mới đây tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga đã cảnh báo rằng, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel có thể giáng đòn “nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Theo Chủ tịch WB, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza gây ra tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh, thế giới đang ở trong thời điểm “rất nguy hiểm”.

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đang phủ bóng u ám lên kinh tế toàn cầu

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đang phủ bóng u ám lên kinh tế toàn cầu

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng có chung nhận định, xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột kéo dài trong khu vực và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu vốn phải hứng chịu nhiều cú sốc thời gian qua, trong đó lớn nhất là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột mới bùng phát tại khu vực Trung Đông được xem là “rốn dầu” của thế giới có thể tạo thêm các thách thức kinh tế mới trên toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Tiếp sau cảnh báo của Chủ tịch WB Ajay Banga, nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill ngày 30-10 cũng nhận định, xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas có thể dẫn đến cú sốc về giá của các nguyên vật liệu chẳng hạn như dầu và các sản phẩm nông nghiệp, nếu xung đột lan ra các khu vực ở Trung Đông.

Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill cho rằng, tình hình chiến sự tại Dải Gaza, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine đang khiến xung đột vũ trang trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Indermit Gill khuyến cáo, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cần thận trọng, bởi nếu xung đột tiếp tục leo thang, kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu đối mặt với cú sốc năng lượng “kép” trong nhiều thập kỷ, cả từ xung đột tại Ukraine lẫn xung đột tại Trung Đông.

Theo báo cáo Viễn cảnh thị trường hàng hóa của WB, giá dầu đã tăng 6% kể từ khi xung đột nổ ra rạng sáng 7-10 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công quy mô lớn vào Israel và sau đó là đòn đáp trả còn dữ dội hơn gấp bộ của Israel nhằm vào Dải Gaza. Từ thực tế lịch sử các cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông từ những năm 1970, báo cáo của WB đã đưa ra dự báo về 3 viễn cảnh tác động tới kinh tế toàn cầu với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

Trong viễn cảnh lạc quan với tác động tương tự như cuộc nội chiến tại Libya năm 2011, giá dầu thô có thể tăng 3-13% lên từ 93-102 USD/thùng. Với nguy cơ gián đoạn ở mức trung bình như giai đoạn xảy ra chiến tranh tại Iraq năm 2003, giá dầu thế giới có thể tăng lên 109-121 USD/thùng. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể đạt đỉnh từ 140-157 USD/thùng và nhiều khả năng vượt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Chuyên gia Ayhan Kose của WB khẳng định, trường hợp giá dầu tăng lên trong thời gian dài sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm trên thế giới lên cao. Nếu kịch bản cú sốc giá dầu nghiêm trọng trở thành hiện thực, lạm phát giá thực phẩm vốn đã tăng mạnh ở nhiều nước đang phát triển sẽ tiếp tục leo thang.

“Kịch bản” cho nền kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh các nền kinh tế tăng trưởng vẫn còn khá thấp và không đồng đều, triển vọng kinh tế thế giới đang phải đối mặt với thách thức mới đến từ cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas vừa xảy ra tại Trung Đông vốn rất nhạy cảm với kinh tế toàn cầu. Một cuộc xung đột kéo dài và lan rộng tại khu vực này tiềm ẩn rủi ro về một cú sốc năng lượng, thổi bùng lạm phát trở lại sau những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương.

Đầu tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,5% được ghi nhận vào năm ngoái và vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình trong lịch sử. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, định chế tài chính này đánh giá, kinh tế toàn cầu vẫn đang gánh chịu hậu quả từ đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, theo đánh giá của IMF, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu. Nói cách khác, nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu nhiều áp lực lớn từ ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị trong quá khứ với lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas chắc chắn sẽ gây thêm rất nhiều áp lực cho kinh tế toàn cầu, nhất là khi leo thang thành cuộc chiến quy mô lớn trên bộ và không loại trừ có thêm sự tham gia của các bên khác tại Trung Đông. Đến nay, ảnh hưởng của cuộc xung đột Israel - lực lượng Hamas lên kinh tế thế giới nói chung vẫn còn ở mức độ hạn chế (chịu tác động từ tăng giá dầu thô). Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về khả năng xung đột kéo dài và lan rộng ra các khu vực khác ở Trung Đông. Trong kịch bản xấu này, những thành quả khó khăn mới đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát và phục hồi tăng trưởng của thế giới có thể bị đảo ngược.

Sự leo thang của cuộc xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas đe dọa nền kinh tế thế giới không chỉ với giá dầu tăng mạnh, đáng lo ngại nhất, nếu có nhiều quốc gia tham gia vào xung đột thậm chí sẽ xảy ra suy thoái kinh tế và tăng trưởng toàn cầu chậm lại rõ rệt. Đến nay, thế giới vẫn ám cảnh bởi cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1973 giữa một số quốc gia Arab và Israel. Khi đó, cuộc chiến đã dẫn đến hậu quả lạm phát và đình trệ kéo dài nhiều năm ở các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Giới chuyên gia đã “phác thảo” một số tác động tới kinh tế toàn cầu tùy theo các “kịch bản” của cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Theo đó, trường hợp xung đột không vượt ra ngoài cuộc đối đầu giữa Israel - lực lượng Hamas, giá dầu thô có thể chỉ tăng từ 3-4 USD/thùng và tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này sẽ ở mức tối thiểu. Trong kịch bản thứ hai, cuộc xung đột biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm với sự tham gia của các bên khác ở Trung Đông, nhất là lực lượng Hezbollah. Trong trường hợp này, xung đột có thể sẽ lan sang Lebanon và Syria và điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống còn 2,4%.

Trường hợp xấu nhất, tuy rất khó xảy ra là sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột của Iran. Trường hợp này, theo các chuyên gia, có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu và giá dầu sẽ tăng lên 150 USD/thùng. Hiện chưa thể khẳng định cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas sẽ phát triển theo hướng nào nhưng có một điều chắc chắn là cuộc xung đột này khó có thể sớm chấm dứt và điều này chắc chắc tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.