Kính mắt vỉa hè: Tác hại khôn lường

(ANTĐ) - “Đeo kính chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến khúc xạ hình ảnh mà mắt cảm nhận được, dùng lâu dài có thể bị thiên đầu thống” - Bác sĩ Nguyễn Văn Lịch - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết. Kính mắt vỉa hè đang là hiểm họa đối với không ít người sử dụng.

Kính mắt vỉa hè: Tác hại khôn lường

(ANTĐ) - “Đeo kính chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến khúc xạ hình ảnh mà mắt cảm nhận được, dùng lâu dài có thể bị thiên đầu thống” - Bác sĩ Nguyễn Văn Lịch - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết. Kính mắt vỉa hè đang là hiểm họa đối với không ít người sử dụng.

Mua kính vỉa hè: Dễ, nhanh, rẻ!

Mới nhìn thấy tôi ngập ngừng cho xe đi chậm vào lề đường, chị bán kính trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám đã mời gọi: “Vào mua kính cho chị em ơi, chị mở hàng, bán rẻ cho”. Tôi vào xem hàng. “Chiếu kính” của chị khá đầy đủ các mẫu mã thời trang: gọng đính đá, gọng trơn, mạ vàng,... với nhiều loại mắt kính như trong cửa hàng kính thuốc.

Tôi hỏi mua một chiếc kính lão, 1,5 độ cho người già. Chị bán hàng xởi lởi: “Em mua cho bà à? Cái này, hợp với người già, gọng vàng sang trọng, mắt sáng”, vừa nói chị vừa bóc túi nilon nhàu nát đưa cho tôi chiếc kính lão. Trên góc phải của mắt kính có mẩu giấy nhỏ ghi chữ màu đỏ: 1,5.

Thấy tôi băn khoăn, chị ta ríu rít: “Em yên tâm, mang về bà em không ưng ý, mang ra chị đổi cho. 1,5 độ của kính này là chuẩn”. Hỏi về xuất xứ của kính, chị bán hàng cho biết: “Nhãn mác quan trọng gì em ơi. Có nhãn mác đấy nhưng cũng hàng Trung Quốc cả ấy mà”. Rồi chị lại tiếp tục mời tôi mua kính màu đeo cho mát mắt, đỡ bụi.

Qua đường Láng, tôi hỏi một anh trung niên bán kính vỉa hè về những chiếc kính màu. “Mẫu mã phong phú, em cứ đeo thử, cái nào hợp thì mua cho anh. Mua kính tránh bụi, tránh nắng trong những ngày này là hợp lý rồi”- anh bán hàng liến láu. Chiếc kính màu của anh nhẹ phỗng, có chỗ màu trên mắt kính nổi lên như váng bảy sắc cầu vồng.

Tôi hỏi vì sao, anh giải thích là vì kính đổi màu, và đưa lên trời nắng xem, nhìn thấy màu xanh đỏ tím vàng là chuyện bình thường. Chiếc khác hai gọng lại vênh nhau, thành thử đeo vào mắt mà khoảng cách giữa hai mắt lại không đúng sống mũi. Một bên gọng thì gắn sát vào tai, một bên lại bám chặt vào phần tóc trên phía thái dương!

Cái nắng gay gắt của mùa hè cộng với không khí mịt mù bụi trên khắp các tuyến đường của Thủ đô đã khiến không ít người tìm mua kính để bảo vệ đôi mắt của mình. Và vỉa hè là lựa chọn của không ít người vì mua hàng ở đây vừa tiện, rẻ, lại nhanh chóng.

Người mua cứ chọn kiểu dáng, mẫu mã, rồi đeo, soi gương thấy hợp là mua. Giá kính vỉa hè chỉ bằng 1/10 chiếc kính rẻ nhất bán trong các cửa hàng kính thuốc, kính mắt lớn.

Thế nên, kính vỉa hè được bày bán khắp nơi: đường Láng, Hoàng Hoa Thám, Lương Thế Vinh, và đặc biệt là những con đường ngoại ô dẫn vào thành phố, nơi không khí luôn đặc quánh bởi bụi.

Không đội mũ bảo hiểm, mua kính vỉa hè, “điếc không sợ súng”!
Không đội mũ bảo hiểm, mua kính vỉa hè, “điếc không sợ súng”!

Hiểm họa của mắt!

Mang chiếc kính lão mua được về cho bà thử, vừa đưa vào mắt, bà đã kêu chóng mặt, mặc dù tôi mua loại kính có độ phù hợp. Bác Cẩn (phố Quan Nhân), cũng là một nạn nhân của kính vỉa hè phàn nàn: “Mới mua về mắt kính sáng, đọc được báo. Nhưng chỉ hai tuần sau mắt kính mờ không đọc được nữa rồi”.

Một vài người khác khi đeo kính màu tránh nắng có biểu hiện chóng mặt nhẹ, mỏi mắt. Bác sĩ Nguyễn Văn Lịch - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện cho biết: “Kính mắt vỉa hè thường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm định. Bề mặt của kính không bằng phẳng nên đeo vào sẽ thấy hình ảnh không thật, biến dạng. Kính không tốt làm ảnh hưởng đến khúc xạ hình ảnh mà mắt cảm nhận được.

Sử dụng kính màu chất lượng kém lâu ngày có thể bị thiên đầu thống”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mắt kính vỉa hè thường được làm bằng plastic chất lượng kém, gọng bằng nhựa hoặc sắt không tốt, kính màu được nhuộm màu thủ công, không bền và có hại. Nhưng do làm từ nguyên liệu này mà giá kính rẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lịch, người có nhu cầu mua kính nhất định phải đến các các cửa  hàng kính thuốc, kính mắt, bệnh viện để đo khám trước khi mua kính. Đối với trẻ em, điều này càng cần thiết vì trẻ em cần phải có quá trình làm quen với kính.

Khám mắt đo kính cho trẻ em phải tuân theo quy trình: đo khám - tra thuốc để làm liệt điều tiết - đo khám lại và cuối cùng cho trẻ đeo kính, thích nghi với kính một cách từ từ. Nếu không rất có hại.

Chiểu theo những quy trình khắt khe để mua được chiếc kính bảo vệ mắt, chắc hẳn mọi người sẽ ngẫm ra, người bán kính vỉa hè không có chút chuyên môn nào về kính mắt. Họ bán hàng tùy tiện, khách hàng cũng chủ quan sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường .

Theo bác sĩ Lịch thì người bán kính nhất định phải có kiến thức về chuyên khoa mắt và đặc biệt là hiểu biết về ngành chỉnh quang để khám mắt và tư vấn về kính đúng cho người sử dụng.

“Giàu hai con mắt”, người tiêu dùng đừng vì ham rẻ, tiện lợi mà mua kính mắt vỉa hè vì nó là kẻ thù của mắt. Tốt nhất, người sử dụng nên đến các cửa hàng bán kính đã được Bộ Y tế cấp phép vì chất lượng kính đảm bảo, có bác sĩ có chuyên môn tư vấn.

Hơn nữa, họ được đảm bảo quyền lợi khi mắt có phản ứng không tốt với kính, quay trở lại, cửa hàng sẽ tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

Thanh Hoàn