Quảng Ngãi:

Kinh doanh cầm đồ và những hệ lụy: “Rút dây động rừng”

ANTĐ - Hà Nội hiện có trên 1.770 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ lớn nhỏ, tập trung nhiều tại các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông và Thanh Xuân. Tuy là loại hình kinh doanh được Nhà nước cho phép, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động cầm đồ luôn tiềm ẩn những phức tạp liên quan đến an ninh trật tự.

Lực lượng công an kiểm tra xe máy không rõ nguồn gốc trong hiệu cầm đồ

Cuộc “đột kích” bất ngờ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội, chiều 17-10, tổ công tác của Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS - CATP kiểm tra một số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên địa bàn thành phố, phóng viên ANTĐ được mời cùng đi. Đây là kế hoạch mở đầu cho “chiến dịch” kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh cầm đồ, nhằm chấn chỉnh và đưa vào khuôn khổ loại hình kinh doanh có điều kiện ẩn chứa nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) này. Đường Láng, quận Đống Đa, một trong những khu vực tập trung nhiều hiệu cầm đồ nhất trên địa bàn thành phố, là nơi chúng tôi nhắm tới đầu tiên.

Đúng 14h30, 2 mũi trinh sát do Thiếu tá Phan Quang Vinh, Đội phó Đội 6 cùng các đồng đội đồng loạt tiếp cận các mục tiêu là 2 hiệu cầm đồ ở số 914 và 916A đường Láng. Do bị lực lượng công an bất ngờ kiểm tra, một số nhân viên của hiệu cầm đồ ở 914 đường Láng lộ rõ vẻ luống cuống, liên tục bấm điện thoại di động để liên lạc. Hơn 10 phút sau, một cô gái ngoài 20 tuổi xuất hiện, tự xưng tên là My, vợ của chủ hiệu cầm đồ. Cô ta cho biết chồng đang đi vắng, toàn bộ sổ sách và những giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh cầm đồ chồng cất giữ…

Công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh của hiệu cầm đồ 914 đường Láng được lực lượng công an triển khai và tại thời điểm đó, trong cơ sở này có 15 chiếc xe máy, một số xe bị phát hiện không rõ nguồn gốc, nhưng vẫn được cầm cố. Ngoài ra, chủ cơ sở cầm đồ này còn cầm cố nhiều Iphone, Ipad và máy tính xách tay… hầu hết số tài sản trên đều không rõ nguồn gốc. Kết thúc cuộc kiểm tra, lực lượng công an đã lập biên bản vi phạm đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ 914 đường Láng, với những lỗi không xuất trình được Giấy phép đăng ký kinh doanh tại thời điểm kiểm tra; không có kho lưu giữ tài sản; không có bảng niêm yết giá cho vay cầm cố tài sản; không đủ điều kiện về ANTT. Cơ quan công an đã lập biên bản thu giữ một số xe máy chưa rõ nguồn gốc, tiếp tục xác minh để xử lý.

Tại cửa hàng kinh doanh cầm đồ số 916A đường Láng, chủ hiệu cầm đồ nơi đây cũng đi vắng và để vợ là Đinh Thị Hương (SN 1979), quê ở huyện Tiên Yên, tỉnh Bắc Giang làm việc với đoàn kiểm tra. Sau một hồi loanh quanh, chủ hiệu cầm đồ này cũng chỉ trình ra được một số giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn chưa đủ các điều kiện về ANTT và không có kho bãi để lưu giữ hàng hóa, tài sản cầm cố cũng như không có bảng niêm yết giá cho vay, cầm cố tài sản. Tại cơ sở kinh doanh này, lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ một số tài sản để xác minh, làm rõ nguồn gốc.

“Thế giới ngầm” hay những “liên minh ma quỷ”

Thấy lực lượng công an kiểm tra, các hiệu cầm đồ đồng loạt đóng cửa

Trong quá trình lực lượng công an kiểm tra 2 hiệu cầm đồ 914 và 916A đường Láng, chúng tôi đã quan sát và phát hiện những hiệu cầm đồ bên cạnh và hầu hết trên dọc tuyến đường Láng đều tự động đóng cửa. Mặc dù trước đó, hoạt động giao dịch cầm cố tài sản diễn ra khá tấp nập tại những địa điểm kinh doanh này. Cùng với đó là nhiều đối tượng lạ xuất hiện tại khu vực lực lượng công an làm nhiệm vụ và qua câu chuyện của họ, chúng tôi nhận ra đó đều là chủ hoặc nhân viên các cơ sở kinh doanh cầm đồ từ nhiều nơi đổ về đây, để quan sát, nghe ngóng động tĩnh từ cuộc kiểm tra của cơ quan công an. 

Thiếu tá Phan Quang Vinh cho biết, việc kiểm tra, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh cầm đồ rất khó khăn, bởi các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này thường liên kết chặt chẽ với nhau. Khi một nơi bị kiểm tra, “dứt dây động rừng” là ngay lập tức các cơ sở khác đều được “báo động” và đóng cửa hàng. Một số thủ đoạn khác cũng được các cơ sở kinh doanh cầm đồ “thuộc lòng” là khi bị kiểm tra, chủ cơ sở viện nhiều lý do khác nhau để không ra mặt và cho nhân viên tự xoay xở.

Bởi lẽ, đa số các hiệu cầm đồ đều không chấp hành đúng các quy định trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và ngay trước mắt chủ cơ sở tìm cách hoãn binh để có thời gian nhằm “hợp thức hóa” hoạt động kinh doanh của mình. Đó chính là lý do các hiệu cầm đồ đồng loạt đóng cửa, khi biết lực lượng công an đang tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh này. “Không chỉ dừng lại ở hành động liên kết, nhằm chống đối công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, các hiệu cầm đồ còn phối hợp chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực kinh doanh “tín dụng đen” thực chất là cho vay nặng lãi” - Thiếu tá Phan Quang Vinh cho biết thêm.

Qua công tác điều tra cho thấy, nhiều cơ sở cầm đồ đã liên kết với các đối tượng côn đồ, đâm thuê chém mướn có “máu mặt” ngoài xã hội, tạo thành “thế giới ngầm” hay những “liên minh ma quỷ” chuyên thực hiện các vụ xiết nợ tàn bạo. Khi không thể trả được những khoản lãi khổng lồ cao gấp 10-20 lần so với mức lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, những người có tài sản mang đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ sẽ không còn khả năng thanh khoản và trở thành nạn nhân của các vụ bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, gây bất bình trong dư luận. Đó là chưa kể đến việc nhiều hiệu cầm đồ biết những món tài sản được cầm cố là của gian, những vẫn nhắm mắt làm ngơ vì những khoản lợi nhuận kếch xù phát sinh từ đó.