Kiều hối - “Nguồn lực vàng” cho phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp những biến động bất lợi trên thế giới, dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng, không chỉ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỉ giá mà còn là nguồn vốn đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thu hút kiều hối trong năm 2022 tăng 4,4% so với năm 2021

Thu hút kiều hối trong năm 2022 tăng 4,4% so với năm 2021

Một trong những quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới

Năm 2022 khép lại, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cùng ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Theo ước tính, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng 4,4% so với năm 2021 và đạt mức 19 tỷ USD.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho thấy, tuy lượng kiều hối đổ về thành phố năm 2022 có giảm 6,67% so năm 2021, nhưng con số đạt được là hơn 6,6 tỷ USD vẫn rất ấn tượng, bởi quy mô chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố. Mặt khác, trong những năm qua, thành phố cũng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được.

Nếu nhìn lại 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về Việt Nam tuy có sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí, nguồn kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài) đến nay đạt hơn 200 tỷ USD, so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay.

Theo các ngân hàng thương mại, trong những kênh tạo nguồn cung ngoại tệ, kiều hối là kênh dẫn vốn hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. Kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về, vì vậy trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó cũng có thể là nguồn đầu tư, chuẩn bị phương án hồi hương tuổi già với những người gửi tiền.

Từ góc độ nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, kiều hối là nguồn vốn rất đặc biệt vì không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng, chi phí lãi vay. Kiều hối còn giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai, góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn ở trạng thái tích cực. Nhờ đó, chúng ta có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, kiều hối ở nước ta có đặc điểm mang yếu tố giá trị tinh thần, giá trị nhân văn to lớn, thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước và tình cảm gia đình. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao qua hệ thống chuyển tiền cũng như trực tiếp khi kiều bào, người lao động về Việt Nam đón Tết. Cùng với vốn ngoại tệ từ thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối sẽ hỗ trợ vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối

Giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn. Đây có thể coi là “nguồn lực vàng” cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, rất cần tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực này. Trong các nguyên nhân giúp Việt Nam thu hút lượng lớn kiều hối, các chuyên gia cho rằng đó là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng cởi mở hơn, tăng trưởng kinh tế những năm qua cũng khá ấn tượng. Thêm vào đó, việc kiểm soát dịch bệnh tốt không làm nền kinh tế bị đóng băng. Những yếu tố tích cực này cần được thúc đẩy trong tương lai để tạo nên niềm tin cho kiều bào chuyển tiền về nước. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, cần quan tâm thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đối với chính sách ngoại hối, hoạt động chi trả ngoại tệ… Đặc biệt, cần tiếp tục xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư với những dấu ấn nổi bật về thương hiệu quốc gia tại một đất nước Việt Nam hòa bình, bình yên, an ninh trật tự, thân thiện và tràn đầy khát vọng phát triển. Đây sẽ là động lực to lớn nhất để nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng qua từng năm và phát huy hiệu quả để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh.

Phát huy vai trò là cầu nối của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài để phổ biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách về thu hút đầu tư cho kiều bào. Trên cơ sở mạng lưới trí thức kiều bào trên thế giới, thúc đẩy xây dựng hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng kiều bào các tổ chức, hiệp hội kinh doanh và khoa học trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các câu lạc bộ trí thức, doanh nhân kiều bào để huy động trí tuệ tập thể vào tham mưu cho Chính phủ Việt Nam xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao về hợp tác, kinh doanh, nghiên cứu cống hiến cho đất nước.

Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Nguồn kiều hối còn “chảy” qua các con đường phi chính thức. Điều này gây khó cho các cơ quan quản lý, đồng thời cho thấy các ngân hàng thương mại cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo sức hút đối với dòng kiều hối phi chính thức. Để thu hút “nguồn lực vàng”, các giải pháp mà các ngân hàng có thể triển khai là đơn giản hóa quy trình giao dịch, tăng cường tương tác với khách hàng tiềm năng hoặc giảm phí chuyển tiền nhân dịp lễ lớn, dịp cận tết…”.

Trong thực tế, nhiều ngân hàng thương mại trong những năm gần đây đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt vào thời điểm dịp cuối năm khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Western Union tung chương trình “Mùa kiều hối Agribank, nhận tiền nhanh - nhiều quà tặng” với hơn 19.000 giải thưởng, tổng trị giá lên đến 1,9 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng triển khai chương trình “Kiều hối đến tay - lì xì vào túi”. Theo đó, cá nhân sử dụng dịch vụ nhận tiền mặt từ nước ngoài chuyển về tại các điểm giao dịch của ngân hàng thông qua công ty kiều hối MoneyGram sẽ có cơ hội được tặng tiền.

Để hấp dẫn lượng kiều hối đổ vào đầu tư ở Việt Nam, cần đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối của Trung Quốc, Ấn độ, Philippines… để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất vừa và nhỏ, quỹ kiều hối bất động sản, hỗ trợ khởi nghiệp… Luật Nhà ở cũng nên cởi mở hơn để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam tạo điều kiện để Việt kiều giao lưu, gắn bó với quê hương.