Chuyển kiều hối: Truyền thống và hiện đại

ANTD.VN - Theo phong tục cổ truyền, Tết đến xuân về luôn là thời khắc đoàn viên của mỗi gia đình. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi cũng như lịch nghỉ Tết khác nhau, rất nhiều kiều bào ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc sắp xếp công việc để trở về nhà bên người thân. Do đó, nguyện vọng được gửi gắm chút quà cùng tài chính cho người thân trong dịp này trở thành mối quan tâm lớn của kiều bào sinh sống tại nước ngoài. 

Chuyển kiều hối: Truyền thống và hiện đại ảnh 1Những người có nhu cầu đều muốn có được cách chuyển kiều hối nhanh gọn, dễ dàng và an toàn

Trong những năm gần đây, Tết Nguyên đán luôn là thời điểm lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh do kiều bào tập trung gửi tiền về nước để người thân sắm Tết. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, riêng TP.HCM, lượng kiều hối gửi về lên tới 1,12 tỷ USD. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. 

Hiện nay, ngoài cách nhờ người thân bạn bè gửi tận tay, kiều hối được chuyển về Việt Nam thông qua các hình thức chính sau: chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền nhanh, qua “chợ đen” và qua một kênh khá mới mẻ là Blockchain - tiền điện tử.

Điểm mặt những kênh truyền thống

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại với mạng lưới rộng khắp, dịch vụ hiện đại an toàn với các giao dịch giá trị lớn, đạt khoảng 72,6% doanh số kiều hối chuyển về nước.

Tuy nhiên, việc chuyển tiền qua ngân hàng hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều bất cập, mặc dù các ngân hàng vẫn cố gắng hoàn thiện và đưa ra nhiều chương trình khuyến mại khuyến khích kiều bào ở nước ngoài chuyển kiều hối qua ngân hàng.

Nhiều người không thích chọn chuyển tiền qua kênh này vì lượng giao dịch thường tăng đột biến vào dịp cuối năm, các phòng giao dịch ngân hàng, ATM hay Internet Banking thường bị quá tải, dẫn đến việc phải chờ đợi làm thủ tục, rất tốn thời gian và không thích hợp khi cần nhận hay gửi tiền gấp. Thêm vào đó, tỷ giá quy đổi bất lợi cũng là một rào cản lớn khiến nhiều người ở nước ngoài không mấy thoải mái khi lựa chọn chuyển tiền theo cách truyền thống này.

Bên cạnh các ngân hàng, dịch vụ của các công ty chuyển tiền nhanh như Western Union, MoneyGram, Pay2Home… đang ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi. Không khó để có thể tìm thấy đại lý của Western Union hay một công ty chuyển tiền nhanh nào đó ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ưu điểm của các công ty này là có thể hoạt động 24/7, hay có thể chuyển tiền online mà không cần phải đến đại lý với mức phí rẻ hơn khá nhiều so với ngân hàng.

Tuy nhiên, dịch vụ này cũng có những nhược điểm khá nghiêm trọng. Người gửi không thể kiểm tra hay theo dõi giao dịch thanh toán của mình, từ đó tạo cơ hội cho các hoạt động gian lận. Western Union từng phải lập ra quỹ tiền với giá trị 586 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân của chiêu lừa chuyển tiền tại Mỹ và Canada. Bên cạnh đó, sự mập mờ về tỷ giá hối đoái, thời gian chuyển tiền không rõ ràng, mức phí dù có rẻ hơn ngân hàng nhưng vẫn ở mức cao cũng là những vấn đề mà một số công ty chuyển tiền nhanh đang gặp phải.

Khi các hoạt động chuyển tiền hợp pháp vẫn cho thấy khá nhiều bất tiện thì chuyển tiền “chợ đen” vẫn đang diễn ra hết sức sôi nổi, nhất là vào dịp Tết. Có người chia sẻ rằng khi có nhu cầu, chỉ cần một cú điện thoại, người phụ trách dịch vụ chuyển tiền “chợ đen” sẽ đến tận nơi để làm việc với mức phí rẻ hơn hoặc tương đương với các dịch vụ truyền thống. Né phí, tiện lợi, không phải chứng minh, đơn giản thực hiện… là lý do khiến nhiều người tham gia và sử dụng hoạt động chuyển tiền ngầm này. 

Trên mạng xã hội, không khó để tìm những lời rao chuyển tiền về Việt Nam miễn phí hoặc với mức phí thấp. Tuy nhiên, hình thức chuyển tiền này tiềm ẩn nhiều rủi ro và chủ yếu dựa vào niềm tin. Rất nhiều trường hợp mất tiền đáng tiếc  đã xảy ra mà người mất không thể đòi lại cũng như không được đền bù.

Chuyển kiều hối: Truyền thống và hiện đại ảnh 2Tiến sĩ David Nguyen

Giải pháp mới để tránh rủi ro

Sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 với nhiều phát minh có thể thay đổi cách sinh hoạt và tư duy của con người có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều  giải pháp mới. Công nghệ blockchain và tiền điện tử là một trong số đó. Chúng tạo nên những bước đột phá lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Với việc ứng dụng blockchain, việc chuyển tiền trở nên dễ dàng, nhận tiền sau vài giây, mức phí cực thấp, rõ ràng minh bạch. Đó là những ưu điểm sắc nét trong việc chuyển tiền mà blockchain và tiền điện tử mang lại. 

Nhiều công ty tại Việt Nam và thế giới đang thử nghiệm phát triển dịch vụ chuyển tiền bằng blockchain. Trong số đó có Midas Protocol - một Công ty    Fintech có trụ sở tại Singapore được thành lập bởi các sáng lập viên là người gốc Việt. Họ đã phát triển ra một loại ví tiền điện tử, cho phép chuyển tiền từ khắp nơi trên thế giới. Với những tiện lợi mà các dạng thức chuyển tiền điện tử đem lại, chúng ta có thể dự đoán rằng hình thức chuyển tiền này chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần.

Trong xu hướng mở cửa hiện nay, Nhà nước đặc biệt rất quan tâm tới đời sống kiều bào ở nước ngoài, tạo điều kiện để kiều bào có thể thực hiện chuyển - nhận kiều hối dễ dàng, cũng như ghi nhận những đóng góp xây dựng đất nước thông qua các khoản kiều hối. Do đó, kiều bào hoàn toàn có thể an tâm và thoải mái khi muốn gửi tài chính về đóng góp, hỗ trợ cũng như làm quà biếu cho gia đình thông qua các dịch vụ khác nhau. 

Không khí xuân đang tràn về trên từng con đường, khi thời điểm Tết cổ truyền chỉ còn tính bằng ngày cũng là lúc sự kết nối giữa kiều bào và gia đình, họ hàng ở trong nước càng trở nên mật thiết. Mọi người đều muốn lựa chọn cho mình và người thân một phương pháp nhanh gọn, dễ dàng và trên hết là an toàn tuyệt đối. Dù cho họ quyết định gửi gắm tài chính về nước cho người thân bằng cách nào đi nữa thì ý nghĩa của nguồn kiều hối cũng không thay đổi, luôn là nguồn lực dồi dào đóng góp không chỉ riêng cho mỗi cá nhân, gia đình mà còn góp phần phát triển, xây dựng cho đất nước. 

Việt Nam lọt vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới

*Năm 2018, tổng kiều hối là 15,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước, lọt vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

*Lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10 -15%/năm trong 12 năm trở lại đây.

*Xuất xứ: Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. 

*Những nhóm đối tượng chính: Việt kiều hải ngoại (ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm tới 80-90%) và lao động xuất khẩu (chiếm 6-7%, có xu hướng tăng theo lao động xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc).

(Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2018)