Kiên quyết ngăn chặn “ma men” lái xe, mang lại bình yên trên các nẻo đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có lẽ, chưa khi nào việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông lại quyết liệt như hiện nay. Nếu coi đây là một chiến dịch thì chắc chắn nó sẽ bền bỉ nhằm ngăn chặn mầm mống những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra.

Thay đổi biện pháp, nâng cao nhận thức cho người dân

Thời gian qua, triển khai thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp ngăn chặn các “ma men”. Dù đã làm rất tốt, mang lại những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn có những vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn.

Với mục tiêu Hà Nội “không còn tai nạn giao thông do cồn”, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện, thị xã và đặc biệt là Phòng Cảnh sát giao thông phải quyết liệt hơn, hoàn toàn không có “vùng cấm” để răn đe.

Trời mưa, lực lượng Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hoàn Kiếm vẫn kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe

Trời mưa, lực lượng Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hoàn Kiếm vẫn kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe

Trên thực tế, nhiều đơn vị đã thay đổi cách thức kiểm tra, xử lý các lái xe điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu bia như CAQ Cầu Giấy. Nếu trước đây, cán bộ phát hiện lái xe có dấu hiệu say xỉn sẽ báo về chốt để dừng xe, đo nồng độ cồn thì nay đơn vị đã sử dụng phễu để kiểm tra hơi thở. Nếu người điều khiển phương tiện “có cồn”, máy sẽ phát hiện và ra thông báo, khi đó lực lượng làm nhiệm vụ sẽ đo bằng máy và ống chuyên dụng nhằm xác định chỉ số vi phạm chính xác.

“Việc sử dụng máy đo gắn phễu sẽ giúp chúng tôi kiểm tra nhanh hơn, số lượng nhiều hơn, nên trong 1 ca trực có thể kiểm tra từ 300 đến 400 trường hợp. Mỗi trường hợp chỉ cần dừng phương tiện 5 giây là xong, không gây phiền hà cho nhân dân mà lại kiểm tra được trên diện rộng, cho kết quả chính xác. Bên cạnh đó, việc kiểm tra như vậy sẽ khiến người tham gia giao thông dè chừng nếu như họ có ý định uống rượu mà vẫn cầm lái. Vì dù uống rất ít, trong một chừng mực nào đó vẫn có thể điều khiển được phương tiện, nhưng khi đo thì vẫn cho kết quả có nồng độ cồn. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai biện pháp này trên toàn địa bàn” - Trung tá Lê Thế Tùng, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy khẳng định.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, CAQ Hoàn Kiếm đã tổ chức triển khai “Chuyên đề Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn”. Thượng tá Bùi Văn Đang - Phó trưởng CAQ Hoàn Kiếm chia sẻ: “Tai nạn giao thông không những làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là gánh nặng đối với các gia đình có người bị nạn.

Mọi hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm

Mọi hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm

Vợ mất chồng, con mất cha mẹ, cha mẹ mất con… tạo thành nỗi đau, sự mất mát lớn không thể xóa nhòa và gây ám ảnh đối với cả những cá nhân gây tai nạn”. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý theo kế hoạch, CAQ Hoàn Kiếm đã triển khai các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với người dân.

Trong đó, nội dung tuyên truyền lên án các hành vi vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích, cũng như việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông sẽ được quán triệt đến 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Riêng lực lượng Cảnh sát khu vực được chỉ đạo đưa nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp tổ dân phố, sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo đến từng số nhà, từng thành viên trong các gia đình, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Đặc biệt là tạo làn sóng lan tỏa để mỗi người dân là một hạt mầm gieo hy vọng về một xã hội bình yên, hạnh phúc, nhà nhà ấm no trọn vẹn.

“Chúng tôi đã kiểm tra thực tế, ví dụ như có ngày kiểm tra trên 100 lái xe ô tô thì chỉ có 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Rõ ràng việc xử lý cũng như tuyên truyền trong thời gian qua đã đạt hiệu quả thấy rõ và chúng tôi rất mong rằng một ngày nào đó cán bộ chiến sĩ của CAQ Hoàn Kiếm đi làm về báo cáo kết quả bằng 0, đó mới là thành công” - Thượng tá Bùi Văn Đang bày tỏ.

Kiến quyết xử lý, không có “vùng cấm”

Nếu như trước đây, việc “xin xỏ” để bỏ qua các lỗi vi phạm giao thông không hề xa lạ thì nay, trước tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu diễn biến phức tạp, khó lường, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các đơn vị phải mạnh tay xử lý, không có “vùng cấm”. Theo thực tế ghi nhận của An ninh Thủ đô, trong số những trường hợp vi phạm có cả lái xe là nữ giới. Tuy nhiên, trên tinh thần xử lý nghiêm, minh bạch, khách quan, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn kiên quyết không bỏ qua cho bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, đối với những trường hợp gọi điện thoại nhờ can thiệp, “xin xỏ”, các tổ công tác sẽ ghi lại thông tin báo cáo về cơ quan chủ quản để xử lý.

“Thực tế, chị em phụ nữ lái xe vốn tay lái yếu, việc xử lý tình huống khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Đối với phương tiện là ô tô, thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn giao thông do nữ lái xe gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là trong điều kiện sức khỏe, tâm lý bình thường, còn khi đã sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn hay chất kích thích thì lại nguy hiểm hơn nhiều. Đã có trường hợp lái xe là nữ gây tai nạn giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Nhiều người nghĩ phụ nữ thì sẽ uống ít hơn nam giới, hoặc nếu nữ giới có vi phạm thì nên... bỏ qua vì ưu tiên phái yếu. Song, rõ ràng dù là nam hay nữ khi đã sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe thì nguy cơ gây tai nạn giao thông đều ngang nhau và hậu quả rất khó có thể lường hết được…” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Một vấn đề thấy rõ là nhiều trường hợp lái xe sử dụng rượu bia hay đồ uống có cồn thì khi bị kiểm tra lại không chấp hành, thậm chí chống đối bằng mọi cách. Đơn cử như trường hợp của lái xe V.Đ.N (SN 1995, trú tại tỉnh Phú Thọ) điều khiển xe ô tô BKS: 30H-484.xx khi bị tổ công tác Y12/141 CATP Hà Nội yêu cầu đo nồng độ cồn thì thách thức, không chấp hành. Trường hợp này sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 35.000.000 đồng, tước Giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày theo quy định. Ngoài ra, người này còn phải nộp phạt số tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với lỗi không có Giấy phép lái xe.

“Căn cứ vào Thông tư 65, Kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông đã được thông báo công khai hàng tháng, hàng tuần tại đơn vị và trên Cổng thông tin của CATP Hà Nội. Vì vậy, các tổ tuần tra kiểm soát thực hiện nhiệm vụ là hoàn toàn đúng quy trình công tác” - Thiếu tá Đào Việt Long thông tin. Cho đến thời điểm hiện tại, Phòng Cảnh sát giao thông, 15 tổ công tác 141 và công an các quận, huyện, thị xã vẫn đang tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hy vọng sự quyết liệt này sẽ giúp thay đổi ý thức và hành động của mỗi người dân. Đây có thể là một cuộc “cách mạng” lớn trong công cuộc đấu tranh, phòng ngừa “ma men” lái xe - nỗi ám ảnh của mỗi người dân khi ra đường.