Kiểm tra, giám sát để bảo vệ quyền lợi người lao động khi nới "trần" làm thêm giờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý các doanh nghiệp vi phạm.

Ngày 6/4, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đã thông tin về việc triển khai về Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 được tổ chức từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 ở tất cả các cấp công đoàn trên cả nước.

Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động kết hợp với Tháng công nhân tại Trung ương sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 28/4/2022.

Tại buổi họp báo, có nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc làm gì để đảm bảo chế độ, quyền lợi sức khỏe người lao động xung quanh việc tăng thời gian làm thêm.

Liên quan đến nội dung này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề.

Đây là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Việc thực hiện cũng chỉ triển khai trong thời gian ngắn. Việc tăng giờ làm thêm chỉ áp dụng đến 30/12/2022, đi kèm với đó nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khỏe của người lao động.

Để đảm bảo an toàn lao động, cơ quan liên quan đã ban hành một loạt giải pháp đi kèm, thứ nhất đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, cơ quan chức năng cũng sẽ tổ chức giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khỏe cho người lao động.

"Trần giờ làm thêm không phải quy định bắt buộc và doanh nghiệp phải có sự chấp thuận của người lao động thì mới được triển khai." - ông Hà Tất Thắng cho biết thêm.