- Phát hiện hàng loạt mẫu thịt lợn được "hô biến" thành thịt bò tại Hà Nội
- Audio 13-4-2016: Phát hiện 5 tấn măng tươi có giòi và đình chỉ vụ tìm kho vàng 4.000 tấn
*Nghệ An: Phát hiện măng có dòi, bốc mùi hôi thối
*Bắc Giang: Ủ chín 20 tấn măng tươi bằng lưu huỳnh
*Hà Nội: Phát hiện 5 tấn mỡ bẩn ruồi bâu kín
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra VSATTP tại một cơ sở
kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phố Thái Hà, phường Trung Liệt sáng 13-4
Còn nhiều lúng túng
Sáng 13-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã kiểm tra công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội).
Đây là một trong 10 phường điểm đang triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Thị Lê Nhung cho biết, từ ngày 29-2-2016 đến nay, thanh tra chuyên ngành ATTP của quận đã kiểm tra 17 cơ sở, phát hiện 11 cơ sở vi phạm; đã nhắc nhở 1 cơ sở, đóng cửa 3 cơ sở và phạt tiền 8 cơ sở 38,9 triệu đồng. Riêng đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP phường Trung Liệt kiểm tra 12 cơ sở, song chỉ xử phạt được 1 cơ sở với số tiền 2 triệu đồng.
Theo bà Hà Thị Lê Nhung, đây là lần đầu tiên triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp phường nên quá trình thực hiện không khỏi bỡ ngỡ. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó trưởng Phòng Y tế quận Đống Đa cho biết, cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP đều mới và phải kiêm nhiệm, trong khi các thủ tục thanh tra lại nhiều nên không ít cán bộ còn lúng túng trong thực thi nhiệm vụ.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn quận, mới chỉ thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch còn thanh tra đột xuất chưa thực hiện được, bởi khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì không được kiểm tra ngay mà phải chờ để xin quyết định của Chủ tịch UBND quận. “Khi có được quyết định thì… đã muộn” - bà Nguyễn Thị Thúy Ngân lý giải.
Tính chung tại 5 quận/ huyện và 10 xã/phường/thị trấn đang thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, từ tháng 1 đến 11-4-2016, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 774 cơ sở; phát hiện 249 cơ sở vi phạm; phạt tiền 88 cơ sở 239 triệu đồng; đóng cửa 2 cơ sở; nhắc nhở, phạt cảnh cáo 159 cơ sở. Về kết quả thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận và phường, số cơ sở được thanh tra là 141, số cơ sở có vi phạm là 90 (quận 43 cơ sở, phường 47 cơ sở), phạt cảnh cáo 13 cơ sở, đóng cửa 1 cơ sở, phạt tiền 60 cơ sở 157 triệu đồng.
Kiểm tra an toàn thực phẩm theo mô hình “141”?
Làm việc với UBND TP Hà Nội chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong tuần này, sẽ chỉ đạo các bộ phận chức năng của Bộ hướng dẫn cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP có thể kiểm tra, xử phạt được ngay cơ sở vi phạm mà không phải chờ quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện như hiện nay.

Đoàn kiểm tra lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm nhanh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Hà Nội cố gắng hơn để giải quyết được những “điểm nóng” về VSATTP gây bức xúc dư luận, tập trung vào những chợ đầu mối; chợ bán lẻ trong nội thành; gắn trách nhiệm với người đứng đầu các địa phương.
Ghi nhận ý kiến từ đoàn công tác của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Nguyễn Văn Sửu cho biết, để giải quyết những vướng mắc của các xã/phường/thị trấn và quận/ huyện đang triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, thành phố yêu cầu Sở Y tế, Sở NN&PTNT Hà Nội phải có hướng dẫn cụ thể hơn, tăng cường “cầm tay chỉ việc”.
Các đoàn khi đi thanh tra, kiểm tra phải xử phạt thật nghiêm khắc những cơ sở vi phạm, vận dụng đúng thẩm quyền để xử phạt ngay tại chỗ, gạt bỏ tư tưởng nể nang nhằm tăng tính răn đe của pháp luật. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu gợi ý, ngành y tế nên học tập mô hình “141”, “142” mà CATP Hà Nội đang triển khai rất hiệu quả để vận dụng vào lĩnh vực kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP. Tất cả phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.