Kiểm soát chặt chẽ an toàn phương tiện thủy

ANTĐ - Tổng kiểm tra tất cả các phương tiện thủy, nhất là đò ngang hoạt động trên những tuyến sông ở Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với Cục CSGT đường thủy cùng lực lượng công an ở các quận, huyện xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép. Những biện pháp quyết liệt trên đang được Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội ráo riết triển khai nhằm đảm bảo an toàn đường thủy trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Kiểm soát chặt chẽ an toàn phương tiện thủy ảnh 1
Tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm sẽ góp phần đảm bảo ATGT đường thủy


Đủ điều kiện mới được phép hoạt động

Cùng với CBCS của đơn vị tổ chức kiểm tra đò ngang Phú Thịnh ở hạ lưu cầu Vĩnh Thịnh, Trung tá Nguyễn Tuấn Long – Đội phó Đội CSGT đường thủy số 1 cho biết: Từ ngày mố cầu được xây dựng đã biến đổi dòng chảy tại khúc sông này. Chưa hết, do đoạn sông trên bị gấp khúc đột ngột nên nước càng chảy xiết. Chỉ cần một phút bất cẩn, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng. Dù trên phà được trang bị đầy đủ phao, phương tiện cứu sinh, cứu đắm nhưng khi chứng kiến chiếc phà với sức chứa khoảng 50 hành khách và phương tiện chậm chạp vượt sông, dòng nước chảy rất mạnh đã khiến cho vị trí tập kết của chiếc phà ở bến đối lưu cách hàng trăm mét so với dự tính ban đầu, mới thấy lo lắng của Trung tá Long là không thừa.

Ngoài việc đảm nhận nhiệm vụ quản lý tới hơn 50km đường sông cùng với hàng chục bến khách ngang sông, nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường thủy của CBCS Đội CSGT đường thủy số 1 lại càng khó khăn hơn bởi yếu tố thủy văn ở khu vực này rất bất lợi. Có lẽ chính vì vậy mà hàng ngày 3 tổ công tác của đơn vị dù “quần quật” từ sáng đến khuya cũng chẳng ngơi việc. 

Thượng tá Nguyễn Văn Cương  - Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy thông tin: Mực nước không chỉ biến đổi bất thường và dòng chảy mạnh, tại khu vực thuộc Đội CSGT đường thủy số 1 quản lý còn phải đối mặt với tình trạng sụt lún ở những bãi cát ngầm. Khi mực nước xuống, những bãi cát trên trở thành điểm khan cạn, tàu thuyền dễ mắc lại, không lưu thông được. Còn vào mùa mưa gặp giông lốc chúng cũng trở thành những “điểm đen” nguy hiểm đối với các loại phương tiện thủy đi qua. Chưa hết, gần 20 bến khách ngang sông trong đó phần lớn các bến đều chở người ở địa phương ra những bãi bồi khai hoang, trồng trọt nên hàng ngày lượng hành khách qua sông rất lớn. Chưa hết, trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, mật độ phương tiện và hành khách tham gia giao thông thủy cũng sẽ tăng. 

Tất cả những yếu tố trên đã đặt lên vai những người CSGT đường thủy nhiệm vụ nặng nề trong việc đảm bảo ATGT đường thủy. Để “hóa giải” những nguy cơ có thể dẫn tới chìm đò, lật tàu, gây chết người, bên cạnh đẩy mạnh tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về hoạt động thủy, Phòng CSGT đường thủy còn chỉ đạo CBCS tập trung rà soát kiểm tra độ an toàn của tất cả bến khách ngang sông. “Chỉ có tàu, thuyền, bến khách nào đạt tiêu chuẩn an toàn, có giấy phép, bằng cấp chứng chỉ mới được phép hoạt động. CSGT đường thủy còn yêu cầu chủ bến ký cam kết, thực hiện yêu cầu bắt buộc hành khách phải mặc áo phao hoặc được trang bị dụng cụ nổi cầm tay khi đi đò” – Trung tá Long khẳng định.

Xử lý nghiêm “sa tặc”

Nếu như công tác phòng ngừa TNGT đối với bến khách ngang sông đang được Đội CSGT đường thủy số 1 tập trung thì tại địa bàn Đội CSGT đường thủy số 2 và số 3 lại đẩy mạnh việc kiểm tra xử lý các hành vi khai thác cát trái phép. Theo quy luật, bắt đầu từ tháng 4 đến cuối năm là thời điểm bùng nổ hoạt động xây dựng. Chính vì vậy, nhu cầu về cát, sỏi cũng như các vật liệu xây dựng khác cũng gia tăng. Đi cùng với đó là tình trạng khai thác cát trái phép ở các tuyến sông Hồng, sông Đuống ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. 

Lấy dẫn chứng từ vụ việc bắt giữ 17 tàu khai thác cát giữa tháng 4 vừa qua, Trung tá Nguyễn Văn Phúc – Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 3 đánh giá: Để phát hiện và bắt giữ được tàu khai thác cát trái phép không phải là chuyện đơn giản. Sau hàng tháng trời cùng với sự hỗ trợ của Cục CSGT đường thủy, Phòng CSGT đường thủy mới triệt phá thành công “đường dây” khai thác cát trái phép lớn nhất từ trước đến nay trên sông Hồng đoạn giáp ranh giữa Hưng Yên và Hà Nội. “Hoạt động khai thác cát trái phép không chỉ gây nguy hại đến bản thân phương tiện, tính mạng của chủ tàu, thuyền mà về lâu dài, chúng còn gây biến đổi dòng chảy, đe dọa tới hệ thống an toàn đê điều và các công trình thủy” - Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định.