Kiếm lợi trên người bệnh

ANTĐ - Mục tiêu điều chỉnh viện phí tăng giá 445 dịch vụ y tế lần này là gì? Là để các bệnh viện có kinh phí nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. 

Như Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định, tăng giá một số dịch vụ y tế vào thời điểm này là việc phải làm bởi với mức viện phí cũ, các bệnh viện không thể cân đối thu chi. Đây là một thực tế khách quan và sẽ tác động đến một số đối tượng trong xã hội, đặc biệt là 38% dân số chưa có thẻ bảo hiểm, chủ yếu thu nhập trung bình trở lên sẽ bị ảnh hưởng nhưng vẫn có khả năng chi trả. Khi dịch vụ y tế đã tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết, đương nhiên người bệnh phải trả viện phí theo giá trị thực của dịch vụ.

Điều mà người bệnh không thể biết được là Nhà nước đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện từ 5 năm nay. Hiện nay, gần 100% bệnh viện Trung ương, 70% bệnh viện tỉnh, huyện đã được giao quyền tự quyết “túi tiền” của mình. Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương còn vay vốn của Ngân hàng phát triển, Quỹ kích cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng và còn huy động hàng chục tỷ đồng trang thiết bị y tế.

Theo cơ chế tự chủ, bệnh viện tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho cán bộ, nhân viên, tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương; đồng nghĩa với việc tăng thu nhập. Thế nhưng chính cơ chế này lại tạo ra “lỗ hổng” lớn. Chính Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng thừa nhận rằng, tự chủ tài chính tạo ra xu hướng tăng cường cơ sở vật chất theo yêu cầu hơn là nhu cầu. Nguy cơ chạy theo lợi nhuận, đùn đẩy những ca bệnh khó, coi nhẹ chỉ đạo bệnh viện tuyến, y tế công cộng và phòng bệnh. Có thể đây là tác động “không mong muốn” từ tự chủ tài chính y tế.

Nhưng thực tế khi được giao quyền tự chủ, nhiều bệnh viện “bật đèn xanh” để tìm mọi cách tăng thu, cắt giảm chi phí nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt. Hầu hết các bệnh viện đều nở rộ loại hình khám chữa tự nguyện giá cao, ngoài giờ, làm tăng số lượng bệnh nhân, đặc biệt tăng công suất sử dụng giường bệnh lên tới 25%. Tình trạnh 3-4 bệnh nhân nằm ghép giường, nằm dưới đất, ngoài hành lang cũng từ đây mà ra. Dư luận đã từng lên tiếng tình trạng “khoán thu” cho từng khoa đã biến bệnh viện công thành bệnh viện tư trá hình. Đương nhiên bệnh nhân được “khai thác” triệt để như xét nghiệm tràn lan, chiếu chụp mọi bộ phận, lạm dụng các loại thuốc đắt tiền. Dẫn đến hậu quả, bệnh nhân bị xếp loại đối xử giữa những người nộp viện phí trực tiếp và người có bảo hiểm y tế; hạn chế người nghèo, người ít tiền và người có thể tiếp cận dịch vụ.

Cuộc khảo sát 18 bệnh viện do Bộ Y tế vừa tiến hành là một bằng chứng sinh động. Giá một số dịch vụ y tế gia tăng ngoài vòng kiểm soát, chi phí điều trị ngoại trú của bệnh nhân có thể bảo hiểm tăng từ 1,2 - 2,6 lần; chi phí điều trị nội trú tăng từ 1,1-2,8 lần. Tình trạng bệnh viện tuyến trên “hớt tay trên” những dịch vụ y tế tuyến dưới, đầu tư thiết bị mang tính cục bộ, cạnh tranh ngay chính giữa các bệnh viện công để thu hút bệnh nhân, cũng “đóng góp” một phần đáng kể gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

Một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng, tự chủ tài chính khiến bệnh viện tập trung vào dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cao thay vì chất lượng chuyên môn và an toàn, có nghĩa là hạn chế người nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ.

Bản thân giám đốc một bệnh viện cũng thẳng thắn nói, cần điều chỉnh cơ cấu nguồn thu cho hợp lý. Việc chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao không cần thiết hoặc kê đơn thuốc vô tội vạ để lấy hoa hồng, về bản chất là kinh doanh kiếm lợi trên ngươi bệnh.