Kiểm điểm cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý Nhà nước để xảy ra các vụ cháy lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn Thủ đô tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm thực tiễn, để thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì điểm cầu hội nghị trực tuyến tại CATP Hà Nội

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì điểm cầu hội nghị trực tuyến tại CATP Hà Nội

Trước những vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, CATP đã chủ động đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý Nhà nước khi để xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cháy, nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp

Trong năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 130 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 18 vụ cháy rừng làm 12 người chết, 23 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính 26,5 tỷ đồng, so với năm 2020, giảm 56 vụ cháy nhưng lại gia tăng số người tử vong lên con số 6.

Cũng trong năm vừa qua, thành phố đã xảy ra 456 vụ chập điện trên cột và 827 sự cố cháy điện... Cùng với tình hình Covid-19 có diễn biến phức tạp, ngoài nhiệm vụ tăng cường phòng chống dịch thì lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn phải đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, tiếp nhận 221 tin báo CNCH, trong đó: 33 vụ mắc kẹt, 31 vụ đuối nước, 45 vụ tự tử, 3 vụ sập đổ công trình, 4 vụ cứu hộ giao thông, 18 vụ tai nạn giao thông và 87 vụ việc khác... Tham gia tổ chức CNCH 178 vụ, cứu được 74 người, tìm được 47 thi thể.

Đánh giá về nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn PCCC và CNCH, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP cho biết thực trạng hiện nay, địa bàn Hà Nội hiện có 1.437 công trình nhà cao tầng, trong đó có 94 công trình cao trên 100m; 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Cùng với đó là 9 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp.

Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và mật độ dân số tăng nhanh, các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình hiện đại, đa năng, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ,… tiếp tục được xây dựng và phát triển, kèm theo là nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất ngày càng lớn; bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp.

Đại tá Trần Ngọc Dương dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn Thủ đô tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Chủ động hơn trong công tác phòng ngừa

Phó Giám đốc CATP - Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh, việc rút kinh nghiệm các vụ cháy, CNCH và kiểm điểm cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý Nhà nước để xảy ra các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng là một trong những nhiệm vụ được Công an thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc, để hạn chế các sai phạm cũng như tồn tại trong công tác phòng ngừa cháy, nổ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP làm nhiệm vụ tại vụ cháy ki ốt ở chợ vải Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP làm nhiệm vụ tại vụ cháy ki ốt ở chợ vải Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm

Trong năm 2021, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức rút kinh nghiệm đối với 697 vụ cháy, 178 vụ CNCH thuộc diện rút kinh nghiệm. Mỗi vụ việc đều được lập và sao gửi hồ sơ rút kinh nghiệm, hồ sơ quản lý Nhà nước đối với cơ sở xảy ra cháy và báo cáo các cấp theo quy định. Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị rút kinh nghiệm toàn diện đối với các vụ cháy, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp, nghiêm trọng, đã được các đồng chí Lãnh đạo, chỉ huy Cục nghiệp vụ, Trường Đại học PCCC, Công an các địa phương và các Sở, ban, ngành thành phố dự và cho ý kiến góp ý.

Thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng lớn các cơ sở trên địa bàn đã được phân cấp về UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của UBND cấp xã, các đơn vị liên quan trong trường hợp khu dân cư, cơ sở trên địa bàn xảy ra cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời cũng đánh giá trách nhiệm của Công an cấp xã trong việc tham mưu UBND xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn theo quy định.

Trong năm 2021, Công an thành phố đã quyết định xử lý, phê bình, yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với 8 tập thể, kiểm điểm, đánh giá vào mức hoàn thành nhiệm vụ năm đối với 3 đồng chí Chỉ huy Công an cấp huyện, 7 đồng chí Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và 7 đồng chí cán bộ kiểm tra; kỷ luật khiển trách đối với 1 đồng chí cán bộ kiểm tra.

Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Đại tá Trần Ngọc Dương yêu cầu chỉ huy các đơn vị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những vụ cháy, tồn tại về PCCC trên địa bàn. Đối với các vụ cháy, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, huy động nhiều lực lượng trên địa bàn tham gia cứu chữa, cần chủ động tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện, có sự tham dự của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhằm thống nhất chung trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại địa phương.