Kịch tính “trăm năm có một” ở Hạ viện Mỹ và chia rẽ trong đảng Cộng hòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Hạ viện Mỹ sau 4 lần bỏ phiếu vẫn chưa chọn được người đứng đầu được xem là kịch tính “trăm năm có một” tại cơ quan lập pháp này, đồng thời phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa, cũng là phe đa số tại Hạ viện.
Ông Kevin McCarthy giữa sự nhìn theo bốn phương tám hướng khác nhau của các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ

Ông Kevin McCarthy giữa sự nhìn theo bốn phương tám hướng khác nhau của các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ

Những chiêu độc và “đòn” chia rẽ

Chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầy quyền lực vẫn chưa lại gần với ông Kevin McCarthy khi trong 2 vòng bỏ phiếu thứ 4 và thứ 5 diễn ra ngày 4-1 (theo giờ Washington) vị Hạ nghị sỹ bang California này vẫn chưa giành được đa số phiếu để trở thành người kế nhiệm bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện. Bà Nancy Pelosi đã buộc phải phải rời chiếc ghế quyền lực quan trọng của nước Mỹ khi đảng Dân chủ của bà để mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11-2022.

Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 3-1 vừa qua, ngoài ông Kevin McCarthy, một số thành viên đảng Cộng hòa còn đề cử thêm Hạ nghị sĩ Andy Biggs của đảng Cộng hòa (bang Arizona) nhằm “ngáng đường” vị Hạ nghị sỹ bang California leo lên chiếc ghế quyền lực. Cho dù ông Andy Biggs chỉ giành được vẻn vẹn 10 phiếu, nhưng cũng đủ để ông Kevin McCarthy không đạt được 218 phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Trong vòng 2, một số thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa lại đề cử một người từng lên tiếng ủng hộ ông Kevin McCarthy là Hạ nghị sĩ Jim Jordan (bang Ohio). “Chiêu độc” này khiến ông Kevin McCarthy mất thêm 9 phiếu so với vòng đầu tiên khi có tới 19 Hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Jordan. Đòn chia rẽ giữa ông Kevin McCarthy và ông Jim Jordan tiếp tục được phát huy khi vào vòng 3 có tới 20 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho Hạ nghị sĩ của bang Ohio, nhiều hơn 1 phiếu so với vòng thứ 2.

Trong khi đó, trải qua 3 vòng bỏ phiếu, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries của đảng Dân chủ đều nhận được số phiếu tuyệt đối của toàn thể 212 thành viên tại cơ quan lập pháp này. Điều này cho thấy, dù giành quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ với số phiếu 222 so với 212 phiếu, nhưng đảng Cộng hòa tỏ ra chia rẽ, trong khi đảng Dân chủ lại thể hiện sự thống nhất cao.

Trước khi bước vào phiên bỏ phiếu lần thứ 4 vào ngày 4-1, cựu Tổng thống Donald Trump đã “xuất tướng” bày tỏ sự ủng hộ với ông Kevin McCarthy khi lên tiếng trên mạng xã hội Truth Social: “Đã có một số cuộc đối thoại tích cực vào đêm qua và bây giờ là lúc để tất cả thành viên Đảng Cộng hòa tuyệt vời của chúng ta tại Hạ viện bỏ phiếu cho Kevin (McCarthy)”. Theo cựu Tổng thống, đã đến lúc các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện phải đoàn kết bên cạnh ông Kevin McCarthy, người đã lãnh đạo đảng giành lại đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Cần tránh việc “biến thắng lợi vĩ đại đó thành thất bại to lớn và bẽ mặt”.

Thế nhưng, bất chấp sự ủng hộ của ông Donald Trump, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy vẫn không thu được đủ số phiếu trong lần bỏ phiếu ngày 4-1. Có tới 20 nghị sỹ đảng Cộng hòa phớt lờ lời kêu gọi đoàn kết của cựu Tổng thống Donald Trump và từ chối ủng hộ ông Kevin McCarthy vì cho rằng ông thiếu tin cậy về tư tưởng. Thậm chí, nhóm nghị sỹ “phá phiếu” trong đảng Cộng hòa còn giới thiệu một ứng cử viên khác là Hạ nghị sỹ Byron Donalds (bang Florida), người mới lần đầu làm nghị sỹ khiến ông Kevin tiếp tục lại mất 20 phiếu. Thế nên, tại vòng bỏ phiếu thứ 5 thì tham vọng trở thành Chủ tịch Hạ viện của ông Kevin McCarthy vẫn không trở thành hiện thực khi chỉ giành được 201 phiếu ủng hộ bởi “đối thủ người nhà” là ông Byron Donalds vẫn được 20 phiếu.

Cuộc khủng hoảng bản sắc

Việc ông Kevin McCarthy thất bại trong cả 3 vòng bỏ phiếu khi Hạ nghị viện khóa mới nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 3-1-2023 được xem là điều kịch tính “trăm năm có một” ở đồi Capitol. Đây là lần đầu tiên việc bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ phải tổ chức bỏ phiếu lại trong 100 năm qua (kể từ năm 1923, khi mà cuộc bầu chọn người đứng đầu cơ quan lập pháp này phải trải qua tới 9 lần bỏ phiếu).

Theo tiền lệ tại Hạ viện Mỹ, các thành viên Hạ viện sẽ bỏ phiếu liên tiếp cho đến khi một nhân sự nào đó (ông Kevin McCarthy hoặc một ứng viên khác) thu được đa số cần thiết để đắc cử Chủ tịch Hạ viện. Nên biết, kỷ lục trong cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực này là 133 vòng bỏ phiếu diễn ra trong suốt 2 tháng vào những năm 1850. Theo nguyên tắc, ứng viên giành chiến thắng tại Hạ viện cần giành được 218 phiếu để đạt đa số quá bán trong Hạ viện 435 ghế. Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ không tính số phiếu trắng, nên người trúng cử chỉ cần giành được số phiếu quá bán trong vòng bầu cử. Do đó, về lý thuyết, ứng viên Kevin McCarthy vẫn có thể giành chiến thắng nếu ông có thể thuyết phục 11 người trong số 20 người chống đối ở phe Cộng hòa bỏ phiếu cho mình, trong khi 9 người còn lại không bầu cho bất cứ ai khác. Nếu như vậy, ông Kevin McCarthy có thể giành được 213 phiếu, mức tối thiểu để đạt quá bán vì 212 Hạ nghị sỹ Dân chủ vẫn kiên định bỏ phiếu cho ông Hakeem Jeffries.

Theo thường lệ, việc bầu một lãnh đạo của phe đa số tại Hạ viện làm Chủ tịch cơ quan lập pháp này chỉ mang tính thủ tục, mà minh chứng rõ ràng là trong lịch sử 100 năm qua các ứng viên do đảng chiếm đa số đều dễ dàng giành chiến thắng cho dù đảng của mình chỉ chiếm đa số mong manh. Song với Đảng Cộng hòa lần này, cuộc bỏ phiếu tưởng như là thủ tục này lại trở thành một màn trình diễn để lộ khủng hoảng nội bộ sâu sắc. Theo giới quan sát, hiện có khoảng 30 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện theo quan điểm bảo thủ cứng rắn thuộc thế hệ MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại). Trong nhóm được gọi là “Never Kevins” này có Bob Good và Matt Gaetz, những người tin rằng ông McCarthy đại diện cho quá nhiều giới chính thống và sự kiến lập. Những nhân vật này trong đảng Cộng hòa đánh giá ông Kevin McCarthy không chỉ là người mềm yếu, dễ thỏa hiệp với phe Dân chủ, mà còn người không tỏ rõ sự ủng hộ với ông Trump.

Sớm nhận biết có sự mâu thuẫn, chống đối ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Kevin McCarthy ngay từ tháng 12-2022 đã liên tục có những nhượng bộ với nhóm nhỏ các nghị sỹ “nổi loạn”. Ông hứa hẹn sẽ lập nhiều ủy ban điều tra nhằm vào chính quyền của phe Dân chủ, chẳng hạn như việc xử lý khủng hoảng Covid-19, hay khơi lại các vụ việc liên quan đến Hunter Biden (con trai của đương kim Tổng thống Joe Biden). Thế nhưng, tất cả những điều này cho tới nay vẫn chưa mảy may lay động được các thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa.

Dõi theo khủng hoảng hiện nay trong việc bầu tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ, giới quan sát nhận định, ngoài vấn đề về cá nhân ông Kevin McCathy, những rối ren hiện nay còn là chỉ dấu của một cuộc khủng hoảng bản sắc lịch sử trong phe Cộng hòa - chính đảng đang đứng trước nguy cơ mất phương hướng và thu hẹp ảnh hưởng chính trị. Khủng hoảng này đã âm ỉ từ lâu, nhưng trở nên trầm trọng hơn sau sự kiện những người ủng hộ ông Donald Trump tấn công tòa nhà Quốc hội ngày 6-1-2021 nhằm “đảo ngược” kết quả bầu cử mà ông Donald Trump là người thua cuộc. Từ đó đến nay, hiếm khi thấy một Đảng Cộng hòa có thể “đồng thanh” trong các vấn đề quan trọng.